Nhìn từ trận mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung

Ứng xử thế nào với thủy điện nhỏ?

- Thứ Tư, 28/10/2020, 06:54 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, trận mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung vừa qua bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu còn có một phần do phát triển thủy ồ ạt điện nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần xóa bỏ thủy điện nhỏ, điều này liệu có khả thi?

Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, GS.TSKH. TRẦN ĐÌNH LONG:
Vẫn cần phát triển thủy điện nhỏ

Thủy điện nhỏ là một loại tài nguyên mà nếu sử dụng được hiệu quả sẽ góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, bởi đây không chỉ để phát điện mà còn phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho một số địa phương thiếu nước, nhất là ở các tỉnh miền Trung vốn có đặc điểm địa hình đất dốc. Tuy vậy, phát triển thủy điện nhỏ cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc giữa lợi và hại.

Thực tế, thời gian qua có tình trạng chủ đầu tư sau khi được cấp phép làm thủy điện nhỏ đã tranh thủ phá rừng, khai thác gỗ bất hợp lý. Việc phân cấp cho UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt đầu tư dự án thủy điện nhỏ cũng có bất cập, nhiều khi làm không cẩn thận do không đủ chuyên gia trình độ cao để đánh giá một cách toàn diện hoạt động của thủy điện nhỏ, trong đó có việc bảo đảm an toàn của các đập cũng như hồ chứa, để xảy ra tình trạng xả nước không hợp lý gây thiệt hại cho hạ du…, gây bức xúc trong nhân dân.

Tuy vậy, không thể vì một số sự cố hoặc quản lý, khai thác không tốt mà cực đoan đòi xóa bỏ hoàn toàn các dự án thủy điện nhỏ. Bởi lẽ, đối với nước ta, thủy điện nhỏ vẫn còn tiềm năng và là một nguồn phát điện mang lại hiệu quả. Ngay tại một số nước châu Âu vẫn tận dụng và khai thác thủy điện nhỏ chỉ vài ba MW.

Vấn đề đặt ra bây giờ là cần hạn chế phát triển thủy điện nhỏ thay vì có giai đoạn chúng ta phát triển khá ồ ạt. Theo đó, trước tiên, cần rà soát lại toàn bộ dự án để đánh giá tác động, mức độ an toàn, hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường cũng như các nơi có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ. Chỉ công trình nào bảo đảm an toàn, có hiệu quả tổng thể các mặt thì mới được tiếp tục khai thác hoặc tiếp tục đầu tư, nếu không thì kiên quyết xóa bỏ. Đặc biệt, khi phê duyệt các quy hoạch cần xem phạm vi xây dựng đến đâu, giải phóng lòng hồ thế nào và phải có kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để tình trạng chủ đầu tư vin vào quyết định phê duyệt làm thủy điện nhỏ để phá rừng tràn lan.

Bên cạnh đó, cần gắn rõ trách nhiệm trong việc phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy điện nhỏ. Việc phê duyệt, phát triển các công trình thủy điện nhỏ nên có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cao hơn cấp tỉnh, bởi như đã nói ở trên, cấp tỉnh nhiều khi không có đủ chuyên gia trình độ cao để đánh giá toàn diện; hoặc nếu để cấp tỉnh phê duyệt phải bảo đảm có sự tham gia của đội ngũ chuyên gia này.

Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) NGỤY THỊ KHANH:
Không thể chấp nhận làm thủy điện nhỏ mà mất rừng

Mỗi nguồn năng lượng đều có vai trò khác nhau. Nếu bây giờ tính đến phương án hạn chế, loại bỏ một nguồn năng lượng nào (như thủy điện nhỏ) cần phải dựa vào giá trị về hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội, không thể duy ý chí để ra quyết định.

Nhìn từ đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung vừa qua, có một phần nguyên nhân từ việc phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ. Do vậy, không công bằng khi đổ hết lỗi cho thủy điện nhỏ để ra quyết định hạn chế hoặc cấm phát triển các dự án này. Bởi để làm một dự án thủy điện nhỏ, chúng ta có các điều kiện, tiêu chí cụ thể, khi đáp ứng được thì dự án mới được phê duyệt, cấp phép đầu tư.

Về nguyên tắc, làm thủy điện nhỏ ít tác động tới môi trường nhất. Do đó, cần rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các dự án xem cách làm thế nào, giới hạn cho phép sử dụng đất là bao nhiêu? Có thực hiện đúng không? Nếu không thì trách nhiệm thế nào, xử lý ra sao? Việc để tận trong rừng lõi có dự án thủy điện thì rõ ràng đó là vấn đề về trách nhiệm quản lý, thực thi!

Tóm lại, để phát triển bất cứ một nguồn năng lượng nào, cần tính đến hiệu quả tổng thể. Khi vẫn cho phép phát triển thủy điện nhỏ, cần cân nhắc tác động môi trường, xã hội của dự án. Nếu làm thủy điện nhỏ mà phá rừng thì không thể chấp nhận!

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn GS.TS. VŨ TRỌNG HỒNG:
Nếu dừng, xem xét bài toán công tư cùng chia sẻ

Việc xem xét hạn chế, thậm chí nói không với thủy điện nhỏ rất cần thiết. Bởi lẽ, khi làm 1ha thủy điện nhỏ sẽ chiếm tới 30ha đất rừng. Nếu làm 10ha thủy điện tương đương mất tới 300ha rừng. Hệ quả của mất rừng là lũ mạnh hơn, sạt lở lớn hơn, lòng sông bị cạn hơn. Nếu cứ phát triển thủy điện nhỏ sẽ là sai lầm, đặc biệt với thủy điện bậc thang bởi đây sẽ là nguyên nhân khiến lũ chồng lũ. Đáng ra, chúng ta có thể nâng cấp thủy điện vừa và lớn vì đã có địa hình sẵn và sẽ tốt hơn so với làm thủy điện nhỏ.

Bài toán đặt ra lúc này là nếu hạn chế, dừng làm thủy điện nhỏ thì phải giải quyết thế nào để hài hòa lợi ích nhà đầu tư và Nhà nước?

Đối với dự án thủy điện đã được phê duyệt nhưng chưa đầu tư có thể dừng lại. Nhưng với các dự án đã hoặc đang đầu tư với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, Nhà nước cần thực hiện bài toán công tư cùng nhau chia sẻ. Theo đó, trước tiên, Nhà nước cần bảo đảm cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Thường chủ đầu tư nói phải cần tới 20 - 30 năm mới thu hồi vốn, nhưng thực tế chỉ khoảng 10 - 15 năm và Nhà nước phải kiểm soát được vấn đề này. Sau khi thu hồi vốn đến bước có lãi, Nhà nước cần chia sẻ với nhà đầu tư theo hai cách.

Cách thứ nhất là cho phép nhà đầu tư được tham gia vào dự án khác không phải là thủy điện. Đó có thể là dự án đầu tư xây dựng đô thị, cầu cống… Chẳng hạn, khi dự án thủy lộ xuyên Á bị dừng, Nhà nước đã cho phép chủ đầu tư làm dự án thủy điện sông Lô 5.

Cách thứ hai, với thủy điện nhỏ hơn có thể cho phép nâng giá điện lên vì hiện giá điện thủy điện nhỏ là thấp nhất. Như vậy, công tư lưỡng lợi. Đây là lý thuyết trò chơi, cả Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi (Nhà nước có điện còn nhà đầu tư bảo đảm được nguồn vốn bỏ ra và có lãi).

Tóm lại, cần thiết bỏ hoàn toàn thủy điện nhỏ và chỉ nên phát triển từ thủy điện vừa. Ở Mỹ đã loại bỏ thủy điện nhỏ và hiện cũng bắt đầu loại bỏ thủy điện vừa để khôi phục dòng chảy trong các sông, bởi thủy điện làm đảo lộn tất cả các dòng chảy.

Tại cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn hôm 24.10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, một trong các bài học kinh nghiệm cần rút ra sau đợt mưa lũ lần này là “phát triển thủy điện theo quy hoạch và an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế phát triển thủy điện nhỏ”.

Trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đợt lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Tất cả các chỉ số cho thấy đều vượt lũ lịch sử, vượt các chỉ số cảnh báo.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là thủy điện luôn có hai mặt, vì vậy không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá. 

Đan Thanh ghi