Ứng xử phù hợp để cân bằng cuộc sống

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:30 - Chia sẻ
Bối cảnh xã hội thay đổi, người phụ nữ từ trong gia đình đã bước ra bên ngoài, cộng đồng xung quanh của họ vốn chỉ xoay quanh chồng con, gia đình thì nay mở rộng ra bạn bè, đồng nghiệp... Cơ hội dành cho phụ nữ mở ra nhiều hơn, nhưng đi kèm là không ít thách thức, buộc mỗi người “phải tự cân nhắc, hiểu môi trường mình đang sống và lựa chọn cách ứng xử phù hợp để cân bằng cuộc sống”.

Phụ nữ hiện đại, họ là ai? Cơ hội và thách thức với phụ nữ hiện đại là gì? Làm thế nào để người phụ nữ phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, thành công trong cuộc sống cũng như giữ gìn được hạnh phúc gia đình? Những chia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Phụ nữ hiện đại: Cơ hội và thách thức” nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 của Chi bộ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng là một lát cắt trả lời cho những thắc mắc này.

	Những phụ nữ Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan - Ảnh: Thành Nguyễn
Những phụ nữ Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan
Ảnh: Thành Nguyễn

“Giữ lửa” hạnh phúc gia đình

Khi được hỏi về điểm mạnh, điểm yếu của phụ nữ hiện nay, cách nhìn nhận của nam giới và nữ giới có sự khác biệt. Trong số những đức tính được coi là điểm mạnh mà nam giới liệt kê như: chịu khó, chịu đựng, tự lập, tự chủ… thì bản thân phụ nữ lại coi đó là điểm yếu của mình (chịu đựng). Bí thư Chi bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ nhận xét, thực tế này cho thấy cách nhìn của hai giới, nam giới nhìn phụ nữ khác với phụ nữ nhìn chính mình. Nam giới luôn coi phụ nữ là người của gia đình, lúc nào cũng phải cam chịu, nhẫn nhịn, nhưng phụ nữ giờ đã bước ra bên ngoài, sức chịu đựng, hy sinh chỉ ở mức độ nào đó.

Tuy nhiên, những đức tính như trung hậu, đảm đang, năng động, sáng tạo thì được cả hai giới đồng tình, có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại. Nếu như ngày xưa phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, thì 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi phụ nữ Việt Nam phấn đấu rèn luyện trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa, trung hậu và đảm đang là hai phẩm chất không thể thiếu của phụ nữ Việt Nam, thời nào cũng thế. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh, dù xã hội phát triển đến đâu, nam nữ bình quyền đến mức độ nào, phụ nữ vẫn là người “giữ lửa ấm” cho hạnh phúc gia đình.

"Đừng kỳ vọng làm người phụ nữ hoàn hảo"

Trước kia, phụ nữ chỉ ở trong gia đình, loanh quanh chăm sóc chồng con, xa lắm thì là gia đình hai bên nội - ngoại, nhưng nay thế giới của người phụ nữ đã thay đổi, họ không chỉ bước ra khỏi ngôi nhà của mình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nhiều người giữ cương vị lãnh đạo cao trong bộ máy nhà nước, đảm nhiệm những công việc mà trước đây vốn chỉ dành cho nam giới như cơ trưởng, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc...

Điều đó có nghĩa, môi trường sống của phụ nữ bây giờ đã khác, cho nên thế giới xung quanh họ cũng khác, rộng hơn. Họ có điều kiện để học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, phát huy tiềm năng và năng lực của mình. Không chỉ có quyền bình đẳng trong các lĩnh vực, người phụ nữ còn được làm chủ cả trong gia đình và ngoài xã hội, có việc làm, có thu nhập và nhiều dịch vụ hỗ trợ...

Tuy vậy, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nêu ra nhiều thách thức mà phụ nữ hiện đại phải đối mặt, trong đó có áp lực thành tích, địa vị, vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, khiến họ đôi khi phải giằng co giữa “thiên chức” và “xã hội chức”. Không mong có sự hoàn hảo, bởi đó là điều không thể, song bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, mỗi người phụ nữ phải tìm cách để cân bằng hài hòa, hoàn thành cả hai vai. “Bản thân người phụ nữ cũng phải biết cân bằng công việc - gia đình, tự giải phóng cho bản thân, đừng kỳ vọng làm người phụ nữ hoàn hảo, hãy là chính mình, biết đủ, biết nói không khi cần thiết...”.

Thời cơ, thách thức tuy là cái bên ngoài nhưng có thể làm bộc lộ rõ điểm mạnh, điểm yếu của phụ nữ. Vấn đề là phải chọn lọc, cái nào nên phát huy, cái nào nên giới hạn. Bởi có những cái ngày hôm qua là điểm mạnh nhưng nay không còn phù hợp, và ngược lại. Xã hội thay đổi, nhiều khái niệm cũng phải nhìn nhận lại, như đảm đang nay khác đảm đang xưa. Dẫu vậy, cho dù thế nào họ vẫn phải là phụ nữ Việt Nam, với những phẩm chất đặc thù.

“Không có khuôn mẫu chung, hơn nữa còn phụ thuộc vào nhận thức của xã hội, nhất là ở Việt Nam, cái chính là mỗi người phụ nữ cần cân nhắc, hiểu môi trường mình đang sống và lựa chọn cách ứng xử phù hợp để cân bằng cuộc sống của bản thân” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Nhật Linh