Cà Mau

Ứng phó với biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 15/04/2021, 15:56 - Chia sẻ
Để hạn chế thiệt hại từ thiên tai mùa khô 2020 - 2021, Cà Mau đang tích cực triển khai thực hiện quyết liệt phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước theo cấp độ rủi ro thiên tai. Ðồng thời, các ngành chức năng, UBND các huyện cũng tiến hành phối hợp với các viện, trường triển khai nhiều hoạt động khảo sát để đề xuất, nghiên cứu quy hoạch lâu dài trên nền tảng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thiệt hại nặng từ biến đổi khí hậu

Theo số liệu thống kê, năm 2019 - 2020, thiên tai diễn biến bất thường, không theo quy luật, đã xảy ra 1 đợt hạn hán, 21 cơn bão và 5 áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông; dông lốc, triều cường, sạt lở, sụt lún đất thường xuyên xảy ra; chìm, hư hỏng 58 tàu cá. Hạn hán mùa khô và mưa lớn do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão số 5, 6, 7, 8, 9 kết hợp với triều cường cũng làm thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi và ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.

Cùng với đó, những đợt mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường, nước dâng đã làm hơn 16.000ha lúa, 640ha hoa màu và hơn 400ha cây ăn trái, gần 21.000ha nuôi thuỷ sản bị thiệt hại do ngập úng. Cũng trong đợt này, nhiều tuyến đường giao thông hư hỏng nặng; nghiêm trọng nhất là các tuyến đường nội ô TP Cà Mau. Riêng hệ thống các tuyến đường do địa phương quản lý, có khoảng 145km hư hỏng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ước thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

Những con số này một lần nữa khẳng định, Cà Mau là tỉnh đang phải hứng chịu thiệt hại nặng nề từ những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, dù đã được đầu tư khá lớn nhưng hệ thống hạ tầng thuỷ lợi của Cà Mau vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong điều kiện mới, nhất là vùng ngọt hoá có địa hình trũng, thấp, khi lượng mưa tăng, gặp tình huống triều cường kéo dài dẫn đến ngập úng nặng.

Việc thiếu nguồn nước ngọt bổ sung vào mùa khô trong khi hệ thống công trình thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, chưa đầu tư ô thuỷ lợi trong các tiểu vùng, thiếu trạm bơm; trạm quan trắc khí tượng thuỷ văn chưa được đầu tư phủ kín là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhiều năm qua đối với hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Bên cạnh những hạn chế về hạ tầng thuỷ lợi, một nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn mỗi khi xảy ra thiên tai là ý thức của người dân trong tổ chức sản xuất. Trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan, duy trì sản xuất theo tập quán cũ, không thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành chức năng, nhất là lịch thời vụ; thiếu chủ động trong sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, trong vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm năm 2020, toàn tỉnh chỉ thu hoạch được khoảng 13.713ha lúa - tôm, tức chỉ chiếm khoảng 52,8% diện tích xuống giống, nhiều vùng bị thiệt hại trắng do hạn, mặn.

Cà Mau sẽ cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn
Cà Mau sẽ cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn

Quyết liệt nhiều phương án ứng phó

Để hạn chế những thiệt hại từ thiên tai, các ngành chức năng của Cà Mau đang triển khai thực hiện quyết liệt phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh mùa khô 2020 - 2021. Ðồng thời, các ngành chức năng, UBND các huyện đang tiến hành phối hợp với các viện, trường triển khai nhiều hoạt động khảo sát để đề xuất, nghiên cứu quy hoạch lâu dài trên nền tảng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đang triển khai nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, tổ chức sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và coi đây là vấn đề cấp bách. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Triều, đơn vị đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đã thành lập 5 tổ rà soát lại 5 lĩnh vực lớn của ngành, tiến hành quy hoạch lại để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Trong quá trình rà soát và quy hoạch, sẽ kết hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn còn tồn tại thời gian qua.

Ngoài ra, để hạn chế được thiệt hại do thiên tai, nhiều ý kiến cũng nêu rõ, ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng, ý thức của người dân trong bảo vệ tài sản của chính mình là vô cùng quan trọng. Chính người dân cần nâng cao ý thức trong tổ chức lại sản xuất tại đồng đất của mình bằng việc theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, tích cực tham gia thử nghiệm các mô hình mới, cách làm hay trong sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, theo hướng tiết kiệm nước.

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ dành 19.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án ưu tiên. Cà Mau cũng sẽ thực hiện cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống khô hạn, phát triển sinh kế phục vụ theo từng tiểu vùng sản xuất, mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt... Đồng thời, ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, chỉnh trang đô thị, khu dân cư... Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư các dự án trồng, bảo tồn, khôi phục rừng ngập mặn, rừng ven biển, nhằm chống xói lở...

 

Nhật Phương