Ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi

- Thứ Tư, 24/11/2021, 07:07 - Chia sẻ
Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới với dự đoán đến năm 2050 sẽ có hơn 20% dân số già hóa, nên việc xây dựng một xã hội già hóa năng động và khỏe mạnh là điều mà Việt Nam cần thúc đẩy. Đây cũng là một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đề ra nhằm chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hướng dẫn người cao tuổi sử dụng ứng dụng HASU để tập luyện, giải trí ở nhà

Già hóa dân số: Gánh nặng an sinh

Già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu. Có thể nhận thấy, mỗi quốc gia trên thế giới đều đang chứng kiến sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số. Cụ thể, năm 2020, trên thế giới có khoảng 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,1% tổng dân số. Con số này được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi đến năm 2050, vượt ngưỡng 1,5 tỉ người, chiếm 15,5% tổng dân số.

Tại Việt Nam, Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế mới đây cho thấy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm 7% tổng dân số. Hiện nay, số người cao tuổi (trên 65 tuổi) là 7,4 triệu người, chiếm 7,7% tổng dân số. Nhóm dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng lên thành 22,3 triệu người cao tuổi, chiếm 20,4% vào năm 2050. "Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới" - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Theo các chuyên gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình, già hóa dân số mang lại những cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội như: Hình thành các thị trường mới về hàng hóa thực phẩm, dược phẩm, thời trang, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sản phẩm phục vụ người cao tuổi… Tuy nhiên, tình trạng này lại tạo ra những thách thức lớn đối với kinh tế - xã hội, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng lên và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm đi.

Đáng nói, đặc điểm dân số già ở Việt Nam là nữ cao tuổi nhiều hơn nam, gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người già sống một mình. Hơn 72% người già sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống (tam đại đồng đường) sang gia đình hạt nhân (vợ chồng và con cái). Nhiều người già phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với họ, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Bên cạnh đó, sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lực lượng lao động, tạo gánh nặng an sinh xã hội và gia đình, chăm sóc y tế...

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong đó chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật. Cụ thể mới đây, ứng dụng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health ra đời cùng với những ứng dụng như nCovi; sổ sức khỏe điện tử… đã đáp nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng trong thời đại công nghệ số 4.0.

Ứng dụng công nghệ số chăm sóc người già

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động thích ứng với già hóa dân số, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó chú trọng việc áp dụng khoa học kỹ thuật.

Theo đó, để xây dựng xã hội thích ứng với “già hóa” dân số, các chuyên gia về dân số và phát triển, kinh tế học, xã hội học, cho rằng trước hết cần thay đổi nhận thức của người dân về người cao tuổi. Nghĩa là người cao tuổi không phải là gánh nặng mà một nguồn lực của gia đình, cộng đồng. Bởi, "người cao tuổi đã tích lũy được những nguồn vốn xã hội, trí tuệ và có thể cả nguồn tài chính khổng lồ. Họ nên được coi là tài sản quan trọng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Do đó, cần đổi mới về mặt xã hội và công nghệ để khai thác những tài sản quý giá này”- Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Tuổi già Năng động và Sáng tạo ASEAN (ACAI) Suwit Wibulpolprasery nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam Naomi Kitahara cũng cho rằng: "Cả vấn đề già hóa dân số và số hóa đều là một phần của xu hướng lớn của thế giới mà tất cả chúng ta phải đáp ứng. Công nghệ kỹ thuật số đang tiếp tục định hình lại cách chúng ta tiếp cận thông tin y tế và các dịch vụ chăm sóc. Đại dịch Covid-19 chỉ làm cho xu hướng trở nên rõ ràng hơn: Tiếp cận kỹ thuật số đã trở thành một yếu tố xã hội mới quyết định đến sức khỏe. Hơn bao giờ hết, khả năng sử dụng công nghệ kỹ thuật số của người cao tuổi có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ. Vì vậy, tận dụng tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số đối với quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh bằng cách thúc đẩy sự tham gia của các khu vực tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho những đổi mới trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người cao tuổi là điều cần thiết".

Bài và ảnh: Bảo Hân