Hàn Quốc

Ứng cử viên tổng thống và quan hệ liên Triều

- Thứ Tư, 10/11/2021, 04:51 - Chia sẻ
Ông Yoon Seok-youl, người đang là ứng cử viên số một trong cuộc đua vào ghế tổng thống Hàn Quốc 2022, tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc gặp thượng đỉnh thực chất với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tuyên bố này phần nào hé lộ cách tiếp cận mềm mỏng của ông trong quan hệ với Triều Tiên, vốn từ trước đến nay được đánh giá là khá cứng rắn của đảng PPP.
Ông Yoon Seok-youl, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Quyền lực Nhân dân đối lập của Hàn Quốc
Ảnh: Yonghap

Ưu thế của Yoon Seok-youl

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Yonhap ngày 7.11, ông Yoon Seok-youl, ứng cử viên tổng thống của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP), đảng đối lập chính của Hàn Quốc, cho biết ông sẵn sàng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, sẽ diễn ra vào tháng 3 năm sau, Đảng Dân chủ cầm quyền, đảng của Tổng thống đương nhiệm Moon Jae-in, đã đề cử cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi Lee Jae-myung làm ứng cử viên; còn đối thủ PPP lựa chọn Công tố viên trưởng Yoon Seok-youl.

Cho đến nay, các chuyên gia dự đoán đây sẽ là cuộc đua song mã gắt gao, khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hai đảng đang so kè nhau từng điểm phần trăm. Tuy nhiên, tình cảm của cử tri đối với tổng thống sắp mãn nhiệm cũng không hề vượt trội quá mức so với sự ủng hộ dành cho phe đối lập. Trong một cuộc thăm dò gần đây, khoảng 60% số người được hỏi đồng tình với việc thay đổi chế độ.

Câu hỏi đặt ra là nếu PPP thực sự thành công trong việc thiết lập một triều đại mới ở Hàn Quốc, cách tiếp cận đối với vấn đề Triều Tiên và trong quan hệ với Mỹ của ông Yoon Seok-youl sẽ như thế nào?

Ông Leif-Eric Easley, phó giáo sư chuyên ngành nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nói với The Diplomat: “Những người bảo thủ Hàn Quốc thường cho rằng, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in ủng hộ sự can dự của cộng đồng quốc tế vào vấn đề Triều Tiên dựa trên những cam kết bịa đặt của họ về tiến trình phi hạt nhân hóa”. Chính vì vậy, “ứng cử viên Yoon Seok-youl của PPP có khả năng sẽ tập trung tìm cách làm sâu sắc hơn liên minh với Mỹ và sẽ phàn nàn nhiều hơn về vai trò của Trung Quốc trong các vi phạm lệnh trừng phạt của Triều Tiên”, ông Easley nói và bổ sung thêm rằng những phe bảo thủ của Hàn Quốc đã cam kết không đưa ra các nhượng bộ hoặc làm ngơ khi Bình Nhưỡng có những động thái khiêu khích.

Giữa hai thái cực

Trên thực tế, vào tháng trước, ứng cử viên Seok-youl đã công bố các chính sách của mình về các vấn đề đối ngoại, bao gồm cả các chính sách đối với Triều Tiên. Đáng ngạc nhiên là ông đã đề xuất các chính sách tương tự như những chính sách mà Chính quyền của ông Moon Jae-in đã áp dụng. Ông Yoon cam kết sẽ mở đường dây nóng liên lạc ba bên giữa Hàn Quốc, Mỹ và Triều Tiên. Ông cũng hứa sẽ hỗ trợ nhân đạo vô điều kiện cho Triều Tiên. Cho đến nay, đây chính là cách tiếp cận đặc trưng của Đảng Dân chủ cầm quyền đối với Triều Tiên, và là điều mà những người bảo thủ chưa bao giờ ủng hộ do lo ngại khả năng hạt nhân và tên lửa ngày càng phát triển của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, ông Yoon cũng đã đề xuất một chính sách mà đảng Dân chủ cầm quyền sẽ không bao giờ xem xét áp dụng: đề nghị Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc nhất trí một thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Hàn Quốc, nếu an ninh Hàn Quốc bị đe dọa bởi hiểm họa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên; đồng thời thúc đẩy các hoạt động thường xuyên theo chính sách này để nâng cao lòng tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cách tiếp cận này là phi thực tế, vì Mỹ về cơ bản không quan tâm đến việc thực hiện "chia sẻ hạt nhân" với Hàn Quốc. “Chia sẻ hạt nhân và tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc chỉ là lập luận dân tộc chủ nghĩa của một số chính trị gia và học giả, những người không có kiến thức sâu sắc về ý chí và nền tảng của chính quyền Mỹ về chính sách hạt nhân”, Kim Young-jun, Giáo sư tại Đại học Quân sự Hàn Quốc nói với The Diplomat. "Đó chỉ là lời hùng biện chính trị để nhận được nhiều phiếu bầu hơn, vì khả năng chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ đề xuất này trên thực tế gần như là bằng 0”.

Bản chất chính sách của phe bảo thủ

Dưới thời chính quyền của ông Moon Jae-in, một số chính trị gia diều hâu và các nhà hoạt động cánh hữu luôn tìm cách phá hoại những nỗ lực đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hai chính quyền bảo thủ tiền nhiệm của ông Moon cũng từng tìm cách tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính hình thức với Triều Tiên. Tất nhiên, chúng đều không thành công, do quan điểm bất đồng về tiến trình phi hạt nhân hóa giữa hai miền Triều Tiên cũng như lập trường cứng rắn của Hàn Quốc trước các hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên vào năm 2010.

Khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ nhau trong ba hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào năm 2018, Hong Jun-pyo - khi đó là lãnh đạo của đảng bảo thủ, và là đối thủ cạnh tranh chính của ông Seok-youl trong cuộc đua sơ bộ cho ghế ứng cử viên tổng thống của PPP trong năm nay - đã gọi  các cuộc gặp liên Triều là “một màn trình diễn hòa bình giả dối”. Nhưng tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền của ông Moon đã tăng lên hơn 80% sau khi ông thúc đẩy cải thiện quan hệ liên Triều. Còn ông Hong Jun-pyo phải từ bỏ vị trí lãnh đạo đảng sau khi đảng này bị đảng Dân chủ cầm quyền đánh bại một cách thô bạo trong cuộc bầu cử địa phương được tổ chức hai tháng sau Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong năm 2018.

Trong tiến trình vận động tranh cử cho cuộc bầu cử sơ bộ giành vé ứng cử viên tổng thống của PPP, ông Hong Jun-pyo, cùng với việc ủng hộ lập trường của những nhân vật bảo thủ diều hâu, đã đề xuất chia sẻ hạt nhân theo kiểu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Hàn Quốc. Nhìn chung, quan điểm của Hong Jun-pyo có thể không đại diện cho những đánh giá chính thống, nhưng việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật và chia sẻ hạt nhân theo các thỏa thuận tương tự như NATO đã sử dụng có vẻ như luôn nằm trên bàn của những người bảo thủ trong cách tiếp cận đối với Triều Tiên.

Trong bối cảnh tương tự, các chuyên gia dự đoán rằng, Triều Tiên sẽ không tích cực tham gia các cuộc đàm phán song phương với Hàn Quốc nếu một chính quyền bảo thủ nhậm chức vào năm tới. Điều đó cũng không phải sự thay đổi chính sách gì mới mẻ bởi về thực chất Bình Nhưỡng đã không còn tích cực tham gia hòa giải với Seoul ngay dưới thời ông Moon kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều vào năm 2019 thất bại.

Đạt Quốc