Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh

Tuyên truyền sâu rộng, thiết thực

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:43 - Chia sẻ
Năm 2020, tuy gặp nhiều khó khăn, song Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. Để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2021, nhiều ý kiến cho rằng, BHXH thành phố cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, đúng đối tượng các quy định về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT). Đồng thời, bám sát để nắm bắt “sức khỏe” của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo hướng điện tử hóa, bảo đảm việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền phát triển đối tượng

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

Theo Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mến, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên số người tham gia BHXH bắt buộc giảm, số lao động tăng chậm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thành lập, hoạt động nhưng không khai báo có sử dụng lao động hoặc khai báo thấp số lao động so với thực tế hoặc thỏa thuận với người lao động không tham gia BHXH.

Xác định trước những khó khăn, cũng như tác động của dịch bệnh, BHXH TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó, nhờ đó năm 2020 đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh có 2.385.539 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 100% kế hoạch, giảm 3,97% so với năm 2019, chiếm 51% lực lượng lao động; 56.477 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 100,91% kế hoạch, tăng 39% so với năm 2019, chiếm 1,16% lực lượng lao động.

Tổng số tiền thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố trong năm 2020 là hơn 68.693 tỷ đồng, đạt 100,47% kế hoạch (tăng 4,67% so với 2019). Số nợ BHXH cũng được khống chế ở mức tốt, với 35.612 đơn vị nợ đóng BHXH, số tiền nợ là 2.469 tỷ đồng, trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là 966 tỷ đồng, chiếm 2,21%. Bên cạnh đó, công tác thu, giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cũng được BHXH thành phố thực hiện nhanh chóng, đúng quy định, kịp thời.

Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết, tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song đơn vị cũng gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện công việc. Theo đó, khối lượng công việc của BHXH thành phố đảm nhận hiện nay chiếm xấp xỉ 20% tổng khối lượng công việc của toàn ngành, điều này đã tạo áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ.

Theo Giám đốc BHXH quận 3 Nguyễn Thị Hồng Thảo, hiện BHXH quận chịu áp lực công việc rất lớn. Riêng cán bộ làm công tác thu, BHXH quận có 16 người, phải quản lý thu tại hơn 7.000 đơn vị với 295.000 người tham gia các chế độ, nên việc đối chiếu trực tiếp, đầy đủ các hồ sơ gặp không ít khó khăn. Chưa kể, đơn vị cũng gặp vướng mắc trong giải quyết thai sản, tình trạng mua bán sổ BHXH…

Chú trọng phát triển đối tượng mới

Tại cuộc giám sát tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH tại TP. Hồ Chí Minh năm 2020; tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 của Ủy ban về các vấn đề Xã hội mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi đã đánh giá cao kết quả của BHXH TP. Hồ Chí Minh đạt được trong thời gian qua, nhất là thời điểm khó khăn năm 2020. Theo đó, BHXH thành phố đã tăng cường công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, BHXH thành phố cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, thiết thực, đúng đối tượng các quy định về BHXH, BHYT; thường xuyên đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, việc phát triển người tham gia BHXH cần được chú trọng hơn. Hiện, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 48.000 đơn vị chưa tham gia BHXH là vấn đề nhức nhối cần sự tham gia của không chỉ cơ quan BHXH mà còn công đoàn, ngành lao động, thương binh và xã hội… Đặc biệt, việc xử lý nợ BHXH, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản cũng cần được thực hiện mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng, tuy khối lượng công việc lớn nhưng BHXH TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành khá tốt, song để đạt kết quả cao hơn, BHXH thành phố cần chú ý đến vấn đề hiệu lực, hiệu quả của quyết định hành chính; hiệu quả của việc chấp hành pháp luật, các hồ sơ chuyển sang cơ quan công an; công tác phối hợp, giữa ngành lao động, thương binh và xã hội và ngành BHXH trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng cho rằng, với hơn 400.000 đơn vị, chiếm ½ cả nước, để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2021, BHXH Thành phố cần tập trung, tăng cường truyền thông; bám sát để nắm bắt “sức khỏe” của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo hướng điện tử hóa, xây dựng bộ tiêu chí nhận diện rủi ro tại các doanh nghiệp, kiểm tra tại trụ sở và cảnh báo từ xa; tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin...

Lê Chi