Từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn ở Vĩnh Phúc

Nguyễn Xuân Sơn
Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc
23/11/2011 16:08

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc là một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng với đó, nông nghiệp nông thôn và làng nghề đang có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế nhanh kéo theo sự suy thoái nhanh về chất lượng môi trường, làm giảm chất lượng cuộc sống của con người... Để kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tất yếu phải quan tâm đến chất lượng môi trường, đây là mục tiêu quan trọng nhằm đạt được các tiêu chí về môi trường của Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Với mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hàng năm, tỉnh đã dành ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình xây dựng và xử dụng hầm biogas, công trình xử lý nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình… nhằm xử lý chất thải chăn nuôi và cấp nước sinh hoạt; xây dựng Đề án “Hỗ trợ đầu tư thí điểm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2009 - 2010” nhằm xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sánh và giải pháp để tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn, khắc phục tình trạng suy thoái, từng bước cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng chương trình hành động bảo vệ môi trường ở các khu cụm công nghiệp, đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020; xây dựng đề án bảo vệ môi trường tại một số huyện, thành phố…Những chương trình, đề án bảo vệ môi trường đã góp phần hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường, một số nơi đã thành lập được HTX dịch vụ môi trường đạt tần suất thu gom rác thải 1 – 3 lần/ 1 tuần, bước đầu giải quyết được vấn đề xử lý rác thải ở địa phương này, một số xã đã quy hoạch xong địa điểm bãi xử lý rác thải, thành lập tổ thu gom rác thải…

Sự phát triển nhanh về kinh tế trong bối cảnh kết cấu hạ tầng KT - XH ban đầu rất yếu kém, nhất là kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu đã gây ra áp lực lớn đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh đã bị suy giảm nhanh, đặc biệt là khu vực nông thôn. Theo số liệu điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2010 thì lượng chất thải sinh hoạt phát sinh từ quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình, chất thải từ hoạt động chăn nuôi, chất thải trong sản xuất làng nghề trên địa bàn tỉnh khoảng 550 tấn/ngày đêm.  Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phát sinh chất thải rắn, lượng chất thải rắn phát sinh tương ứng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Trong khi đó, tính đến tháng 11 năm 2011 mới chỉ có 89/112 xã có hố chôn lấp rác thải tạm thời nhưng các hố chôn lấp rác chưa đảm bảo quy định, chỉ là nơi dùng để đổ tập kết rác thải. Đến nay có khoảng 15 xã có HTX vệ sinh môi trường và 74 xã hình thành tổ thu gom rác thải trong tổng số 112 xã nông thôn (chiếm tỷ lệ 79,5%), tuy nhiên tỷ lệ rác được thu gom ở những địa bàn có tổ chức thu gom trung bình mới đạt khoảng 40-50%, tần suất thu gom khoảng 4-8 lần/ tháng. Tình trạng đổ rác thải bừa bãi ra đường, kênh mương, đồng ruộng hoặc nơi công cộng khác còn diễn ra khá phổ biến gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường mặt đất và nước, đấy là chưa kể đến ô nhiễm môi trường không khí, bụi và tiếng ồn tại các khu công nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nước mặt cũng đang xảy ra. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường hàng năm, chất lượng môi trường nước ở các thuỷ vực đang bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, amoni, coliform... đặc biệt là đối với các thuỷ vực là đầm, ao, hồ nằm trong giữa khu dân cư. Nguyên nhân ô nhiễm là do các thuỷ vực này tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu dân cư, chất thải chăn nuôi, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nước thải của một số làng nghề... và phần lớn các nguồn thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả vào các thuỷ vực. Theo dự tính, tổng lượng chất thải chăn nuôi năm 2010 vào khoảng 1.193.333 tấn, trong đó tỷ lệ lượng chất thải được xử lý mới chỉ đạt 40–50% và quá trình xử lý chỉ là sơ bộ, chưa đảm bảo quy định cho phép trước khi thải ra môi trường. Hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng lượng phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật là nguyên nhân gây phú dưỡng, ô nhiễm môi trường nước ở các thuỷ vực. Cùng với chất lượng nước mặt đang bị ô nhiễm, chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng đang bị suy giảm. Nhiều nơi ở khu vực nông thôn, làng nghề đã bị nhiễm theo hướng gia tăng, các chỉ tiêu Đồng, Chì, Colifirom đều vượt quy chuẩn. 

Để từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn tại Vĩnh Phúc cần phải có những giải pháp đồng bộ trước hết cần tập trung vào một số giải pháp dưới đây:

Một là, cần quy hoạch qui mô sản xuất tại các làng nghề; đầu tư hỗ trợ về tài chính để các làng nghề đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất thay vì những công cụ thủ công. Các cụm công nghiệp làng nghề đã và đang được hình thành cần đánh giá loại hình ngành nghề, đặc trưng ô nhiễm, tải lượng các nguồn thải và dự báo phát triển trong tương lại; xây dựng phương án và đầu tư các công trình xử lý ô nhiễm đồng bộ, đảm bảo các chất ô nhiễm được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi phát thải ra môi trường xung quanh.

Hai là, đối với các khu chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung và sản xuất nông nghiệp, cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom vỏ bao đúng nơi quy định để xử lý. Chính quyền địa phương cần quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn như xây dựng, khơi thông các hệ thống cống, rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác thải thuận tiện cho người dân; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn đảm bảo quy hoạch xa khu dân cư; hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động dịch vụ vệ sinh môi trường trong nông thôn.

Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường; lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, mỗi làng xóm cần tổ chức làm vệ sinh thường xuyên, hướng dẫn và hỗ trợ để mỗi gia đình có thùng chứa rác và tự phân loại rác thải ngay tại gia đình. Quan trọng hơn cả là ý thức cộng đồng, thay đổi chính thói quen xả rác tùy tiện của người dân nông thôn sẽ không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là biện pháp có tính chiến lược và lâu dài.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Trước hết là đầu tư thoả đáng nguồn kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; có chính sách khuyến khích những người trực tiếp làm công tác thu gom rác thải nông thôn. Quy hoạch đầu tư kinh phí xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng môi trường.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Từng bước nâng cao chất lượng môi trường nông thôn ở Vĩnh Phúc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO