Kinh nghiệm quốc tế trong chung sống với Covid-19

Từ “Zero Covid” đến “chung sống”

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 06:52 - Chia sẻ
Cho đến trước khi biến thể Delta bùng phát trên thế giới, hầu hết các nước đều muốn đạt được mục tiêu “Zero Covid” (tiêu diệt hoàn toàn Covid-19), dùng các biện pháp phong tỏa, cách ly và đóng cửa nền kinh tế nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, sự xuất hiện liên tiếp của các biến thể chỉ ra một thực tế: Virus Corona sẽ vĩnh viễn không thể bị tiêu diệt và thế giới chỉ có thể chọn “chung sống” với nó. Đây sẽ là hướng tiếp cận tất yếu trong tương lai mà ở đó, các nước sẽ phải học cách kiểm soát các ổ dịch, song song với mục tiêu dỡ bỏ những cản trở đối với hoạt động kinh tế.

"Zero Covid" là bất khả thi

Xu hướng thay đổi cách tiếp cận trong phòng, chống Covid-19 của các nước bắt nguồn từ thực tế rằng một số nước có độ bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19 hàng đầu thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng trở lại ở mức báo động, khi những biến thể mới vẫn liên tục xuất hiện.

Hơn 1 tháng sau khi dỡ bỏ tất cả các quy định hạn chế chống Covid-19 vào tháng 7 vừa qua, nước Anh ghi nhận khoảng 25.000 ca mỗi ngày. Mỹ, nước đã đạt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số, gần đây số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trên 100.000 ca mỗi ngày. Số ca mắc mới tại những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới như Israel, Singapore cũng tăng trở lại.

Tại Australia, quốc gia đã duy trì thành công mục tiêu "Zero Covid" trong một thời gian dài, Thủ tướng Scott Morrison mới đây thừa nhận điều đó khó xảy ra và nhấn mạnh số ca mắc không phải là tất cả trong tình hình dịch bệnh, do đó kế hoạch quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ số ca lây nhiễm mới sang các vấn đề về nhập viện, các ca bệnh nặng.

Trước thực tế trên, các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của biến thể Delta chính là yếu tố "thay đổi cuộc chơi", và “Zero Covid” là một mục tiêu bất khả thi ngay cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao hay áp lệnh phong tỏa lâu dài.

Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) gần đây đã nhận định rằng, không nói riêng gì virus SARS-CoV-2, những gì con người biết về quá trình tiến hóa của các loại vi sinh vật khác khiến chúng ta nên tránh việc đưa ra những khẩu hiệu tuyên chiến như xóa sổ virus. Chỉ có 2 loại virus duy nhất hoàn toàn bị xóa sổ cho tới nay là virus gây bệnh đậu mùa ở người và virus gây dịch tả ở gia súc. Thậm chí, bệnh bại liệt vẫn chưa được xóa sổ hoàn toàn trên thế giới khi vẫn có những trường hợp mắc bệnh ở Afghanistan và Pakistan.

Xóa sổ virus SARS-CoV-2 là một tham vọng hoàn toàn phi thực tế, đặc biệt khi đó là một loại virus về hô hấp bắt đầu lan nhanh và rộng. Những điều đó cho thấy chiến lược chiến thắng duy nhất là khiến virus trở nên ít nguy hiểm hơn ngay cả khi nó vẫn tiếp tục hiện diện trên thế giới.

Virus Corona sẽ không thể bị tiêu diệt

Minh họa của SCMP 

Chấp nhận Covid-19 là bệnh đặc hữu để chung sống

Singapore là một trong những nước sớm tuyên bố sẽ coi dịch bệnh Covid-19 như những dịch cúm mùa khác và tiến tới mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong tháng 9. Trong thông báo hồi tháng 6.2021, Lực lượng đặc nhiệm đa bộ của Chính phủ Singapore về Covid-19 nói rằng: “Đã 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát và người dân của chúng tôi đã chiến đấu với dịch bệnh rất mệt mỏi. Mọi người đều đang tự hỏi: Khi nào đại dịch sẽ kết thúc? Tin xấu là Covid-19 có thể sẽ không bao giờ biến mất. Nhưng tin tốt là chúng ta có thể sống chung với dịch bệnh”.

Trước đó, hôm 31.5, trong một phát biểu trước toàn dân, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh, Singapore có thể hoàn toàn chung sống với Covid-19 nếu mọi người tiếp tục hợp tác cùng nhau, chẳng hạn như tiếp tục tiêm chủng, thực hiện các mũi tiêm nhắc lại hàng năm và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, ngày càng có nhiều sự đồng thuận giữa các chuyên gia quốc tế rằng Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu. “Điều đó có nghĩa là virus sẽ tiếp tục biến đổi và tồn tại, giống như virus cúm. Con người sẽ phải thích nghi và học cách sống chung với nó. Điều đó cũng có nghĩa là Singapore sẽ phải thỉnh thoảng chứng kiến ​​những đợt bùng phát dịch bệnh nhỏ”, ông Lý Hiển Long lưu ý.

Đan Mạch ngày 10.9 đã dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng Covid-19 cuối cùng. Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch bùng phát đã được Đan Mạch chuẩn bị trong vài tháng. Chính phủ Đan Mạch cho rằng, đất nước có thể chịu được tỷ lệ lây nhiễm cao hơn do khoảng 95% những người dễ bị tổn thương, người sống trong viện dưỡng lão và người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Chính phủ sớm áp dụng chiến lược “sống chung với Covid-19”, tập trung ngăn chặn số ca nhập viện và nguy kịch, đồng thời nới lỏng các biện pháp điều trị để giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường mới. Các cơ quan y tế của Hàn Quốc thông báo đang lên kế hoạch xem xét lại chiến lược phòng dịch Covid-19 mới vào cuối tháng 9.2021, thời điểm sẽ có hơn 70% dân số dự kiến hoàn tất ít nhất một mũi tiêm vaccine.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế và công nghiệp Malaysia Mohamed Azmin Ali ngày 7.9 cũng cho biết, từ cuối tháng 10 quốc gia này sẽ coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, giống như sốt xuất huyết hay sốt rét.

Rõ ràng việc nhận ra sự thật rằng, Covid-19 không thể tiêu diệt và chung sống với dịch bệnh là lựa chọn tất yếu đã giúp các nước dần điều chỉnh chiến lược và cách tiếp cận.

Đạt Quốc