75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19.12.1946 - 19.12.2021)

Tư tưởng ngoại giao nhân văn, hòa bình

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:26 - Chia sẻ
Bao hàm ý nghĩa lịch sử, văn hóa, ngoại giao và quân sự, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh như lời hịch non sông, cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, giành lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc.

Cốt cách văn hóa và khát vọng hòa bình

PGS. TS. Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, ngay lời mở đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc!”, và sau đó Người còn nhắc lại một lần nữa hai tiếng “đồng bào”, rồi “người Việt Nam”, “Tổ quốc”, những từ ngữ, khái niệm mà Người xem như một vũ khí sắc bén, một sức mạnh mềm trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. “Đây là những khái niệm mang cốt cách văn hóa Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thấu hiểu sâu sắc, nặng lòng với nó, biết chuyển tải sức mạnh của khái niệm đó vào trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc”.

Khát vọng hòa bình được thể hiện rõ ngay ở câu đầu tiên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta muốn hòa bình”. Một lời kêu gọi cả dân tộc thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy máu lửa, nước mắt và hy sinh. Một cuộc kháng chiến trường kỳ bắt đầu bằng niềm mong ước hòa bình mà buộc phải lao vào một cuộc chiến tranh không mong muốn...

Theo PGS. TS. Vũ Quang Hiển, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi Tổ quốc lâm nguy, Lời kêu gọi của Người như lời hịch cứu nước, là tiếng gọi của non sông đất nước, tiếng kèn xung trận, cổ vũ, dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đứng lên kháng chiến để giành lấy hòa bình, bởi mục đích cuộc kháng chiến là “Việt Nam độc lập và thống nhất…”. Và kết thúc Lời kêu gọi, Người cũng truyền niềm tin thắng lợi cho toàn dân, toàn quân ta “Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

“Từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí ‘quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh’”, PGS.TS. Vũ Quang Hiển nhận xét.

Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc

Các nhà nghiên cứu lịch sử từng đánh giá, việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946 giữa Thủ đô là trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện nghệ thuật khởi đầu chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo. Để có được tiếng súng mở đầu ấy là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, biểu hiện của việc bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện cầm chân quân địch để cả nước chuyển vào căn cứ kháng chiến trường kỳ.

PGS.TS. Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nhận định: “Ngắn gọn mà súc tích, giản dị mà đanh thép, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo đối với các thế lực xâm lược rằng: Mỗi khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng thì cả dân tộc Việt Nam sẽ nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một dân tộc trên 90 triệu người, với ý chí quyết tâm và thái độ dứt khoát, kiên định “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, chúng ta có đủ sức mạnh cả về vật chất lẫn tinh thần để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bất kể chúng lớn mạnh thế nào và từ đâu tới.

Đúng như dự báo của Người, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vào năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã chứng tỏ sức mạnh của lòng yêu nước phi thường của quân và dân ta, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã giải phóng miền Bắc làm tiền đề cho một Việt Nam độc lập và thống nhất vào mùa Xuân 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng đã kết thúc chiến tranh, đem lại độc lập tự do cho dân tộc ta, non sông thu về một mối, Bắc Nam sum họp một nhà.

PGS. TS. Bùi Đình Phong khẳng định, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một văn kiện lịch sử vô giá, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, ngoại giao to lớn. Bởi vậy, tổng kết các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là “văn minh thắng bạo tàn”. Ngày nay chúng ta và ngay cả đối phương cũng rút ra kết luận: Việt Nam thắng kẻ thù bằng sức mạnh không chỉ ở con người, ở dòng chủ lưu là chủ nghĩa yêu nước, mà đã thể hiện sâu sắc và cụ thể ở văn kiện lịch sử thấm nhuần tinh thần tự tôn dân tộc, luôn luôn tiến tới, hướng về tương lai.

Hương Sen