Tản mạn

Từ trên giá sách

- Chủ Nhật, 28/03/2021, 04:40 - Chia sẻ
Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đối với bạn đọc trẻ như tôi, cũng có thể coi là sự khép lại của cả một thời đại mà có thể chúng ta không có dịp để chứng kiến thêm một điều gì đó tương tự như thế một lần nào nữa.

Từ những năm 1990, bố mẹ tôi vẫn thường đặt báo Văn Nghệ hàng tuần. Thời xưa, chưa có internet và truyền hình còn hạn chế nên bố mẹ tôi nghĩ rằng sách báo là nguồn tiếp xúc chữ nghĩa sách vở thường nhật duy nhất cho con em. 

Chỗ xóm nhà tôi có chú Thư làm nghề giao báo. Cứ hàng tuần chú chạy xe máy qua nhà, nếu gặp bố tôi thì có khi tạt vào uống chén nước chè mà không gặp thì chú nhét một lúc mấy tập báo qua khe cửa. Nhà tôi chuộng văn chương nên lúc nào cũng đầy sách vở báo chí xếp chật cả nhà. Cứ mỗi quý, mỗi năm, tôi lại phải ngồi xếp báo rồi khâu lại với nhau để lưu trữ chứ không đem cho người ta gói hàng gói xôi bao giờ. 

Phải mãi đến năm 2004 thì tôi mới lần đầu được nghe tên nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà lại không phải là thông qua văn chương của ông ấy mà lại là nhân một bài phê bình. Mặc dù vốn hiểu biết khi ấy của tôi còn rất hạn chế nhưng không hiểu sao sau khi đọc xong “Trò chuyện với hoa thủy tiên...” thì tôi thấy nó hay và có thiện cảm hơn bài viết của nhà phê bình nọ. Bố tôi bảo rằng người ta không cần phải có hiểu biết quá rộng để có thể cảm nhận được giá trị của sự thật hay sự tự do trong văn chương. Nó không kén chọn đến thế.

 Mấy năm sau đó mẹ tôi thi thoảng mượn sách của ông Thiệp về cho tôi. Tôi đọc sách của Nguyễn Huy Thiệp, nói là hiểu là thấm thì chưa vì văn chương chân chính là vậy, anh khó có thể hiểu hết mọi ý tứ của người viết và càng không nên cho rằng mình đã hiểu hết. Có khi phải đọc đi đọc lại vài lần mới sáng ra được. 

Tuy thế, từ lần đầu tiên đọc “Trò chuyện với Hoa thủy tiên”, tôi có nhận thức rằng đó là một thái độ đối với văn chương. Nó không chỉ là văn chương mà còn là một cách nghĩ, cách đối diện với thời đại mà ta có thể nhìn vào để học tập. 

Sự ra đi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đối với bạn đọc trẻ như tôi, cũng có thể coi là sự khép lại của cả một thời đại mà có thể chúng ta không có dịp để chứng kiến thêm một điều gì đó tương tự như thế một lần nào nữa.

Lê Quang (từ Berlin)