Từ những lời mộc mạc, gần gũi

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 05:47 - Chia sẻ
​​​​​​​Từ những năm 2007 - 2011, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII, theo nhiệm vụ của cơ quan, thi thoảng tôi đi dự những buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ở một số đơn vị bầu cử trên địa bàn Hà Nội. Mấy lần tôi đã được nghe ông nói những từ rất mộc mạc, gần gũi như “đất bờ xôi ruộng mật”.

Tôi nhớ hồi ấy Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói lên quan điểm cần giữ lại đất tốt cho dân. Đành rằng, để phát triển kinh tế - xã hội là phải ưu tiên đất cho đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới, nhất là tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng phải có tầm nhìn để giữ đất nông nghiệp cho dân, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội lâu dài. Lúc đầu, tôi cũng hơi ngạc nhiên khi thấy Chủ tịch Quốc hội dùng chữ nghĩa liên quan đến ruộng đồng, mà không nói những lời “đao to búa lớn”, hoa mỹ như một số cán bộ vẫn phát biểu trên diễn đàn, trước công chúng. Nhớ có lần, khi Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, sau khi đồng chí Bộ trưởng báo cáo công việc của Bộ và trả lời chất vấn, Chủ tịch nói nhẹ nhàng: “Bộ trưởng nói cứ vanh vách”. Chả là đồng chí này có khoa nói tốt, có tài thể hiện lưu loát, trơn tru trên diễn đàn, còn công việc “tư lệnh” ngành thì đại biểu và Nhân dân chưa hài lòng. Chủ tịch nói ngắn mà sâu sắc, ai cũng hiểu.

Những năm gần đây, khi ở cương vị Tổng Bí thư của Đảng (mấy năm đảm nhiệm cả vị trí Chủ tịch Nước), cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta được nghe nhiều hơn những câu nói gần gũi, mộc mạc khác. Điển hình như câu “cua cậy càng, cá cậy vây”. Nhắc đến cua với cá, thoáng nghe cứ thấy gần với ruộng đồng, quê kiểng. Những câu này không phải ở đâu xa, mà được chắt lọc từ kho tàng châm ngôn, thành ngữ có sẵn trong đời sống, đã được dân gian đúc kết từ muôn đời nay. Vấn đề là ở bối cảnh nào, ai biết sử dụng một cách chân thực, phù hợp, không khiên cưỡng, không cố tình khoe chữ thì rất công dụng. Nghe Tổng Bí thư sử dụng những câu này với bối cảnh phù hợp sao mà dễ hiểu, sướng tai đến thế!

Lại nghe đến “cơ đồ” của đất nước ta. Bao năm quen nghe đánh giá về đất nước là nói đến vị thế trên trường quốc tế, đến kinh tế tăng trưởng, văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đối ngoại rộng mở, quốc phòng - an ninh được giữ vững... Rồi những khái niệm: hòa nhập mà không hòa tan hay non sông, gấm vóc... nhưng nay thấy từ “cơ đồ” sao gọn, mà bình dân và rõ nghĩa thế.

Đối với công tác cán bộ, có rất nhiều bài viết của nhiều tác giả nêu lên ở các cấp độ khác nhau từ việc đào tạo, quy hoạch hay đánh giá, sử dụng con người đã góp phần làm sáng thêm chủ trương chung của đảng ta. Riêng với Tổng Bí thư, cùng những quan điểm chiến lược, nhất quán với cách lập luận biện chứng đã được toàn đảng, toàn quân, toàn dân đồng tình, hưởng ứng thì cách sử dụng ngôn từ lại khiến tôi kính nể về sức hấp dẫn của sự mộc mạc như “đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng chín". Đúng là một cách nói, cách truyền đạt thông điệp như ông bà ta vẫn ân cần căn dặn con cháu, người thân trước mỗi việc lớn.

Trong công việc của mỗi cá nhân, từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, nếu mọi người cùng nhận thức đúng và làm việc đáp ứng yêu cầu "đúng vai, thuộc bài"; tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", không để xảy ra chuyện "quyền anh, quyền tôi", như Tổng Bí thư vẫn nhắc nhở thì bộ máy của Đảng, của Nhà nước sẽ chạy êm, lo được nhiều cho dân, cho nước. Toàn lời lẽ bình dị như chính hình ảnh giản dị, gần gũi của Tổng Bí thư mỗi khi đến với Nhân dân, xử lý các công việc của Đảng và Nhà nước.

Gần đây, Tổng Bí thư nhắc nhở các cơ quan và lưu ý cán bộ công bộc của dân một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết như đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng"; hay “Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

 Mấy năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Nhân dân ta rất thích cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không đao to búa lớn, từ ngữ bình dân nhưng rất sâu sắc, nhân văn và thể hiện tầm cao văn hóa trong lãnh đạo, quản trị đất nước. Học tập, làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là chủ trương lớn, xuyên suốt. Trước mắt cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta nghe và làm tốt những điều Tổng Bí thư nói mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu như thế là góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Nguyễn Nhân Tỏ - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội