Từ kỹ sư tên lửa đến viện trưởng “cây trồng”

- Thứ Bảy, 06/02/2010, 00:00 - Chia sẻ
Là kỹ sư tên lửa nghỉ hưu lại nghiên cứu về cây trồng, tâm huyết với khoa học đến mức dốc hết vốn liếng để nghiên cứu; nhiều công trình khoa học của ông được đánh giá cao và rất có giá trị trong thực tiễn… Ông là Trần Xuân Tư - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học ứng dụng, thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

05-Tu-ksu-3710-300A1.jpg

Đam mê và nhiệt huyết cháy bỏng

Lần đầu tiếp xúc với ông tại căn hộ của ông, nằm trên tầng 9, nhà B2, Mỹ Đình, và cũng chính là “trụ sở” của Viện Công nghệ sinh học ứng dụng, chúng tôi có cảm giác ở ông có cái gì đó hơi “khác người”. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và nghe ông nói về chuyện làm khoa học, mới thấy bên trong con người khắc khổ ấy là sự đam mê, là một bầu nhiệt huyết cháy bỏng. Những đóng góp của ông Trần Xuân Tư trong lĩnh vực nghiên cứu cây trồng đã minh chứng điều ấy.

Nguyên là lính Phòng quân - Không quân, từng tốt nghiệp Học viện Phòng không Kiép, Liên Xô (cũ) là giảng viên Học viện Hậu cần… nghỉ hưu năm 1995, ông Tư tự mình đọc sách, nghiên cứu về công nghệ sinh học ứng dụng. Lý do ông chọn nghiên cứu về cây trồng rất đơn giản, những năm học tập và làm việc ở Liên Xô, mỗi lần về các nông trang của bạn ông thấy người dân Nga còn đói nghèo, thiếu cả khoai tây và hoa quả để ăn và ở Việt Nam lúc bấy giờ người dân cũng đang vật lộn với đói nghèo… từ đó ông tự nhủ, nghiên cứu về cây trồng cải thiện bữa ăn là rất thiết thực. Thế rồi, người cựu chiến binh, thương binh Trần Xuân Tư đứng ra tập hợp bạn hữu là thương binh, cán bộ kỹ thuật quân đội nghỉ hưu thành lập nên Viện Công nghệ sinh học ứng dụng thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Suốt 15 năm qua ông Trần Xuân Tư và cộng sự say mê nghiên cứu khoa học. Khó khăn về vốn, cơ sở vật chất, ông Tư đã biến nhà ở của mình làm cơ sở nghiên cứu, bỏ tiền lương hưu thuê mượn đất để làm vườn thực nghiệm, nhân giống các loại cây trồng… 

05-Tu-ksu-3710-300A2.jpg

Từ cây chịu úng… đến cây chịu hạn

Trời đã không phụ lòng người. Kết quả nghiên cứu của ông Tư và cộng sự đã mang lại nhiều loại cây chịu được môi trường khắc nghiệt, cho sản phẩm tốt, và tạo môi trường sinh thái bền vững.

Đề tài khoa học đầu tiên của ông Tư và cộng sự nghiên cứu thành công là lựa chọn và cải tạo cây tre Điềm Trúc trồng ở vùng đất thường bị ngập úng lụt. Trước đây Bộ NN và PTNN cũng có đề tài nghiên cứu đưa giống tre này về trồng ở vùng đất trũng nhưng không thành công. Tuy nhiên, sau nhiều lần kiên trì nghiên cứu thực nghiệm, cuối cùng ông Tư đã biến đổi thành công giống tre Điềm Trúc rất hợp với môi trường ngập lụt.

Tiếp đó, ông Tư trồng thực nghiệm và chọn được giống xoài, ổi, khế chống chịu được úng ngập lâu ngày. Nhận xét về công trình nghiên cứu giống xoài trồng ở vùng ngập úng của ông Tư, nguyên Viện trưởng Viện Rau quả TƯ -  GS.TSKH Trần Thế Tục cho rằng, đây là một phát hiện có ý nghĩa đối với nông nghiệp. Thực tế qua các trận lũ lụt lớn những năm qua ở miền Tây Nam bộ cho thấy những vườn xoài bị ngập úng phần lớn bị chết. Bởi vậy, nếu trồng giống xoài của ông Tư trên vùng đất này vừa không bị chết, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.

Thành công với các loại cây trồng vùng ngập lũ ông Tư lại bắt tay vào nghiên cứu các giống cây trái “trên cao”. Ông và cộng sự đã tạo lập nhiều giống cây quả như xoài, ổi, khế… phù hợp trồng trên những tầng cao trong điều kiện môi sinh hạn chế. Cùng với đó, ông Tư còn nghiên cứu tạo ra loại đất hỗn hợp giá thể TXT 29 (Trần Xuân Tư 29 lần thử nghiệm) để trồng cây quả trên ban công nhà cao tầng. Mong muốn của ông Tư là tất cả những ban công, cửa sổ những căn hộ chung cư chói chang, ngột ngạt sẽ được phủ xanh bằng những vườn cây ăn quả mi ni, điều hoà môi trường sống và cung cấp hoa trái cho bữa ăn gia đình.

Với nhiều sáng kiến trong nghiên cứu về cây trồng, ông Tư đã đoạt giải KOVA năm 2007 do Bộ khoa học – Công nghệ, Bộ GD - ĐT trao tặng, giải thưởng Cúp vàng đề tài bảo vệ môi trường 2009. Kết quả nghiên cứu của ông Tư đang được ứng dụng ở nhiều địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình... 

Thay lời kết

Tiết trời miền Bắc bắt đầu sang Xuân. Từ Hà Nội cùng Viện trưởng “cây trồng” phóng xe máy dọc triền đê xào xạc những khóm Điềm Trúc xanh tốt; về vườn thực nghiệm của của Viện ở xã vùng lũ Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội mới thấy hết được giá trị những nghiên cứu mà ông Tư và các cộng sự đã làm. Yên Mỹ là xã nằm ngoài đê sông Hồng, mỗi năm chịu vài đợt lũ lụt và cứ sau mỗi lần lũ tràn qua, thôn làng lại xác xơ, nay nhờ các giống cây Điềm Trúc, xoài, ổi… chịu úng ngập mà bờ bãi vẫn mướt xanh, người dân yên tâm sản xuất, xây dựng cuộc sống…

Chợt nghĩ hiện có không ít công trình nghiên cứu khoa học rình rang, tốn kém mà ít giá trị thực tiễn thì với những gì ông Tư và cộng sự đã, đang làm thật đáng trân trọng.

Quang Vũ