Từ khóa của sự bứt phá

- Thứ Hai, 25/01/2021, 06:32 - Chia sẻ

Mặc dù chỉ vọn vẹn 3 trang nhưng Nghị quyết 02/NQ-CP Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021, vẫn khẳng định những nỗ lực cải cách của Chính phủ, thông qua việc nhấn mạnh vai trò của đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số - “từ khoá” quan trọng làm nên sự bứt phá trên mọi lĩnh vực. 

Còn nhớ mới đây, tại Lễ khởi công Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và khai trương Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù có ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn đi sau các quốc gia phát triển về công nghệ số nhưng khủng hoảng bởi dịch Covid-19 đã tạo ra chất xúc tác giúp tiến trình phát triển số được đẩy nhanh. Trên một nửa số doanh nghiệp trong nước cho biết, đã sử dụng các công cụ và nền tảng số nhiều hơn trong những tháng vừa qua của năm 2020. Chính phủ Việt Nam đã đẩy nhanh những nỗ lực của mình trong giai đoạn từ tháng 3 - 11.2020, qua việc tăng 11 lần số lượng các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp vào Cổng Dịch vụ Quốc gia.

Đó là những thành công bước đầu cho thấy, nỗ lực chuyển đổi số năm qua của nước ta. Song, để khởi động tiến trình hướng tới một "Việt Nam số” trong năm 2021 và những năm tiếp theo, rất cần hành lang pháp lý làm bệ đỡ. Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 nhận định về vai trò rất quan trọng của Nhà nước trong việc xây dựng và bảo đảm thực thi có hiệu quả hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, kinh tế số. Do đó, các quy định pháp luật hợp lý, khả thi và công bằng sẽ giúp tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển nhanh, bền vững và lành mạnh. Ngược lại, nếu các quy định được thiết kế một cách bất hợp lý, không khả thi hoặc không công bằng có thể sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam không bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của khu vực ASEAN và thế giới.

Bởi vậy, cùng với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt năm 2020; ngay đầu năm 2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 01 và 02, đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò chuyển đổi số; Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030. Dự kiến trong năm nay, sẽ có thêm nhiều nội dung được Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, như Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư; Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hay Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam…

Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận rằng, vẫn còn không ít rào cản cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số tại Việt Nam, khi tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ cả khu vực nhà nước và tư nhân chỉ khoảng 0,44% GDP, mức rất thấp so với mức bình quân của thế giới là 2,23% GDP. Bên cạnh đó, những chính sách, cơ chế và những bài toán hay, đúng tầm để kích thích sáng tạo và cống hiến của doanh nghiệp còn bỏ ngỏ. Trên hết, yếu tố tiên quyết giúp chuyển đổi số thành công đã từng được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra, đó chính là sự quyết tâm của bộ, ngành, địa phương; sự sẵn sàng, đồng lòng từ phía người dân, doanh nghiệp, tạo nên những bước đột phá.

Sự sẵn sàng từ phía doanh nghiệp không chỉ đơn giản là gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp công nghệ số với 28% trong năm 2020 mà đòi hỏi phải nhìn nhận đúng về khái niệm chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu rõ, nắm bắt được cốt lõi của chuyển đổi số mới có thể áp dụng thành công, giúp nâng cao được năng suất, chất lượng cũng như sức cạnh tranh dù là doanh nghiệp lớn, nhỏ hay vừa. Sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương không đơn giản là ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động mà còn phải đổi tư duy, nhận thức và hành động của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên, tạo ra dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, “chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin mà phải là sự phát triển mang tính đột phá giúp thay đổi sự vận hành của công việc và cuộc sống. Đột phá ở chỗ càng dùng càng rẻ, càng dùng càng giỏi và nơi nào khó khăn thì ứng dụng sẽ hiệu quả hơn, nơi nghèo nhất cũng có thể tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất nhưng với giá rất rẻ; mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc, toàn cầu, thúc đẩy mọi người có thể kinh doanh và làm giàu”.                                                                        

Đỗ Quyên