Tự hào hàng Việt Nam

- Thứ Ba, 23/03/2021, 15:52 - Chia sẻ
Tự hào hàng Việt Nam là kết tinh của phát triển sản xuất, của nghệ thuật, uy tín, tính hiệu quả lưu thông hàng hóa và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt; là cuộc cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường nội địa “sân nhà” rồi lan tỏa khu vực và quốc tế.
Điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Lan Chi Lý Nhân (Lý Nhân, Hà Nam) thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Ảnh minh họa: Nguyễn Chinh/TTXVN
Điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Lan Chi Lý Nhân (Lý Nhân, Hà Nam). (Ảnh minh họa nguồn: TTXVN)

Đây không đơn giản là khẩu hiệu hành động mà còn là khát vọng thực hiện được đề cập trong Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021-2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu hiện thực hóa của Đề án cũng rất cụ thể như: giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống; giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.

Không chỉ đặt ra các mục tiêu, định hướng phát triển và nhiệm vụ từ thông tin truyền thông; phát triển hệ thống phân phối cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng hóa Việt; Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt, doanh nghiệp Việt; kiểm tra kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, mà đề án cũng chỉ ra giải pháp và chính sách phát triển trong đó tập trung cho: Nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng với hàng Việt; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong phân phối, lưu thông và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đề án không phải là văn bản luật nhưng liên hệ chặt chẽ đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và giám sát, kiểm tra, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hàng hóa.  Khi nói đến “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thì trước tiên chúng ta phải nói đến cuộc chiến bảo vệ hàng Việt, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa và hiệu quả của cuộc chiến “cam go” không ngừng nghỉ này. Cho đến nay,  sau hơn 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng ta vẫn day dứt với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đánh vào tâm lý người tiêu dùng tâm lý lo sợ  “đồng thau lẫn lộn”.  Bên cạnh đó là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng chịu thiệt hại; hệ thống phân phối không kiểm soát kỹ dễ mất uy tín.

Chỉ tính riêng năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý trên 66 nghìn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỉ đồng; trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 136 tỉ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm trên: 392 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính. Đây là con số không nhỏ và thể hiện cuộc chiến vì thương hiệu Việt còn nhiều “cam go”.

Như vậy việc phát triển thị trường trong nước chất lượng, ổn định, bền vững gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn mới phải gắn bó chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống pháp luật; giám sát triển khai thực thi các đạo luật liên quan như: Luật An toàn thực phẩm; pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; pháp luật về giá; pháp luật về cạnh tranh; pháp luật chống hảng giả hàng nhái. Thậm chí là pháp luật hình sự xử lý nghiêm các vi phạm… Hệ thống pháp luật và quy chuẩn trong sản suất lưu thông hàng Việt phải là xương cốt để triển khai Đề án của Chính phủ; là khung khổ pháp lý cho cuộc vận động và văn hóa tiêu dùng hướng tới người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Nếu lơi lỏng, xa rời quy định của pháp luật thì cuộc vận động khó đem lại kết quả.

Sự vào cuộc, nhận thức, niềm “Tự hào hàng Việt” của người tiêu dùng là yếu tố thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo lập thị phần thị trường nội địa ổn định, vững chắc. Nhưng “Tự hào hàng Việt” không chỉ dành cho khâu phân phối, tiêu dùng mà còn hướng trọng tâm đến sản xuất hàng hóa Việt. Doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài… khi sản xuất hàng Việt, lựa chọn những mặt hàng thế mạnh, đặc sắc… làm chất lượng “Tinh hoa hàng Việt Nam” không chỉ để xuất khẩu mà phải nghĩ đến và hành động phục vụ người tiêu dùng Việt. Họ cần đi tiên phong tạo dựng thương hiệu Việt, tiêu chuẩn Việt, chất lượng “quốc tế” phục vụ người Việt; đứng vững trong tâm thế của người tiêu dùng Việt Nam.

Thanh Hà