Tản mạn

Tư duy sai lầm

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:36 - Chia sẻ
"Cậu Vàng" mở đầu với một khung cảnh toàn quay cảnh cánh đồng hoa cải vàng rực bên sông, một cảnh phim đèm đẹp kiểu “bưu thiếp" được chỉnh màu quá lố, không thể khuôn mẫu và sáo hơn.

Và dự cảm xấu của tôi về bộ phim không thể chính xác hơn khi một loạt cảnh phim tiếp nối nhau mà ở đâu tôi cũng thấy giả, từ những bãi cỏ xanh rờn ngút mắt dọc triền sông, cảnh làng quê thanh bình với nhiều hoạt cảnh về đời sống văn hóa dân gian Bắc Bộ được đưa vào để minh họa như cảnh trai gái làng vừa tát nước vừa hát đối giao duyên, màn múa rối nước và nhiều câu thoại, diễn xuất “giả trân” khác nữa liên tục đập vào mắt, thách thức sự chịu đựng của người xem.

Trên nền bối cảnh giả tạo và lòe loẹt đó, đời sống hiện thực của làng quê phong kiến trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao với sự bần cùng hóa, lưu manh hóa đã bị “ngôn tình hóa” với hai câu chuyện tình được dệt nên một cách thô vụng, thậm chí bất nhẫn. Để lại Binh Tư và Lão Hạc chết một cách vô nghĩa, còn cậu Vàng thì trở thành “siêu khuyển” trừng trị cái ác, giải cứu cả làng Vũ Đại. 

Thông điệp “nhân quả” mà đạo diễn Trần Vũ Thủy ngụ ý cuối cùng dồn lên hết một con chó vàng nhỏ bé. 

Thật mỉa mai, khi những điều mà nhà văn Nam Cao từng lên án, từng chỉ trích: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than" (Giăng sáng) - lại hiện diện một cách sống động trong tác phẩm cải biên từ tác phẩm của ông. 

Chính tư duy sai lầm, nông cạn và cách làm phim thiếu chuyên nghiệp đó đã giết chết bộ phim, không chỉ "Cậu Vàng" mà còn rất nhiều bộ phim chết yểu khác của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua. 

 Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật - giải trí đầy khắc nghiệt, mà chắc chắn một điều, đam mê và dấn thân hoàn toàn không đủ, thậm chí lợi bất cập hại. Điện ảnh là nơi mà nhà làm phim bắt buộc phải có kiến thức nền tảng, kỹ năng làm phim thuần thục trước đã, chưa kể là phải có tài năng.

 Điện ảnh là dàn dựng, là “giả”, nhưng cái dàn dựng, cái “giả” đó phải được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh và tạo được cảm giác “thật” cho khán giả. Còn một khi cái “giả” của dàn dựng đó gây nên cảm giác “giả tuyệt đối” cho khán giả, tác phẩm thất bại hoàn toàn, cho dù nó xuất phát từ một ý định tốt đẹp đi chăng nữa. 

Như nhà văn Nam Cao từng viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”, hay "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có" (Đời thừa).

Bảo Khánh