Tư duy quản lý chưa theo kịp

- Thứ Bảy, 22/08/2020, 06:27 - Chia sẻ
Nếu cuối năm 2016, số lượng các công ty cung ứng giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) mới chỉ khoảng 40 thì đến nay đã lên tới hơn 150. Đặc biệt, năm 2019, với vốn đầu tư vào lĩnh vực Fintech tăng đột biến tới hơn 400 triệu USD, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore trong việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực này và chiếm tới 36% tổng số vốn đầu tư vào Fintech của cả khu vực. Fintech đang trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đồng thời cũng là đối tượng hợp tác chặt chẽ đối với các định chế tài chính, ngân hàng truyền thống.

Sự phát triển nhanh chóng này đặt ra nhiều vấn đề và cả những thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Làm thế nào để quản lý, kiểm soát được hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ, từ đó, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa ngân hàng và Fintech, tạo ra sự cạnh tranh thích hợp cho sự phát triển lành mạnh của thị trường tài chính - ngân hàng là câu hỏi đã được đặt ra trong vài năm trở lại đây.

Trong bối cảnh như vậy, có thể hiểu được sự trông đợi và băn khoăn của các chuyên gia khi tiếp cận với dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động Fintech trong hoạt động ngân hàng đang được Chính phủ lấy ý kiến (sau đây gọi là dự thảo Nghị định). Dự thảo Tờ trình kèm theo dự thảo Nghị định cho thấy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận diện chính xác những vấn đề bất cập hiện nay trong hoạt động Fintech. Tuy vậy, nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lại chưa bám sát để giải quyết các vấn đề bất cập này. Ngay từ cách tiếp cận của dự thảo Nghị định đã có những điểm chưa ổn. Trước hết là chưa thể hiện đúng nguyên tắc doanh nghiệp, người dân có quyền tự do kinh doanh, được làm những gì pháp luật không cấm. Theo nguyên tắc này, nếu các doanh nghiệp thực hiện các dự án Fintech mà không vi phạm pháp luật thì không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định này và không cần phải xin phép. Nghị định này chỉ được áp dụng khi các dự án Fintech không thể thực hiện được do vướng các quy định quản lý của Nhà nước.

Nói cách khác, việc ban hành Nghị định này không phải để thử nghiệm các dự án Fintech mà là để thử nghiệm các biện pháp quản lý của Nhà nước đối với các dự án Fintech. Do đó, “cơ quan soạn thảo cần bám sát vào vấn đề cần được thử nghiệm là các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động Fintech. Theo đó, cơ chế thử nghiệm sẽ là nơi cho phép doanh nghiệp được làm những gì pháp luật chưa cho phép làm và/hoặc nơi thử nghiệm của các quy định pháp luật tiềm năng lên hoạt động của doanh nghiệp”, VCCI nhấn mạnh trong văn bản góp ý gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo.

Mặt khác, nếu nhìn vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đã được xây dựng và áp dụng ở hơn 30 nước trên thế giới sẽ thấy, mặc dù mỗi nước có những điều chỉnh khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm, đó là: sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro để dự phòng cho sự thất bại. Tuy nhiên, sự cân bằng này trong dự thảo Nghị định được nhiều chuyên gia đánh giá là còn tương đối mờ nhạt.

Có thể thấy sự mờ nhạt này ở một số điểm như tiêu chí tham gia sandbox mang tính định tính cao, không rõ ràng, thậm chí có những tiêu chí dường như đi ngược bản chất của sandbox là thử nghiệm. Ví dụ, tiêu chí “không có khả năng gây ra tác động xấu đến tổ chức tài chính nói riêng và hệ thống tài chính nói chung”, “không tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn đối với thị trường tài chính - ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung”. Chưa kể, những tiêu chí định tính như vậy còn dẫn đến lo ngại về cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch trong quá trình thực thi.

Cùng với đó, việc liệt kê cụ thể những lĩnh vực được/cần tham gia sandbox trong dự thảo Nghị định vừa không “quét” được hết các hoạt động Fintech đang tồn tại trên thực tế mà còn hạn chế khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Dự thảo Nghị định cũng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hay kiểm soát các rủi ro của Fintech, cũng chưa có những quy định cần thiết trong việc bảo vệ khách hàng, người tiêu dùng hay cơ chế giám sát rủi ro có thể xảy ra đối với nhóm đối tượng này...

Sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý những vấn đề phát sinh đối với trường hợp Uber và Grab tham gia thị trường vận tải vừa qua đã được cơ quan chủ trì soạn thảo đề cập tới trong dự thảo Tờ trình như một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành ngân hàng - tài chính trong việc ứng phó với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Đúng là nếu không có một hành lang pháp lý kịp thời, phù hợp thì quản lý nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể sẽ phát sinh những hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát đối với thị trường tài chính và nền kinh tế khi các công ty Fintech mở rộng phạm vi hoạt động. Nếu được ban hành, Nghị định này sẽ là văn bản pháp lý cao nhất và đầu tiên về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech. Thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển lành mạnh của các Fintech, rộng hơn là sự phát triển của kinh tế số nằm ở đây. Chính vì thế, việc xây dựng dự thảo Nghị định này không thể dựa trên nền tư duy quản lý cũ, chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn như vậy.

Hải Lam