Tự động hóa hệ thống thư viện, phòng đọc

- Thứ Năm, 23/12/2021, 09:39 - Chia sẻ
Theo Thượng tá Mạc Thùy Dương, Phó Giám đốc Thư viện Quân đội, để tiếp tục phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống thư viện trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cần có sự quan tâm đồng bộ, từ cơ chế chính sách đến tập trung nguồn lực lớn của Nhà nước và Quân đội, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực của cán bộ, nhân viên ngành thư viện để hệ thống được tự động hóa, trở thành mạng lưới thư viện hiện đại, mô hình hiệu quả trong hoạt động chuyển đổi số của toàn quân.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thư viện, phòng đọc, Thư viện Quân đội từng bước tham mưu, đề xuất phát triển mạng lưới thư viện hiện đại; xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số, liên thông, tích hợp, chia sẻ, khai thác dữ liệu giữa các thư viện; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, hệ thống dữ liệu lớn, điện toán đám mây, truy cập mở… vào hoạt động của các thư viện, phòng đọc, hướng tới xây dựng mạng lưới thư viện quân đội trở thành mạng lưới thư viện hiện đại của cả nước.

Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự/Bộ Quốc phòng, Thư viện Quân đội và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, thường xuyên rà soát, tham mưu đề xuất, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy định, hướng dẫn về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số thư viện, phòng đọc trong Quân đội, tạo cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động, đáp ứng kịp thời, nhiệm vụ trong kỷ nguyên số.

Nhân viên Thư viện Quân đội số hóa tài liệu
Ảnh: Quế Phương  

Về hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, Thư viện Quân đội tập trung quy hoạch, mở rộng, phát triển hạ tầng CNTT, các điểm truy cập, kết nối đến người dùng trong toàn quân... Đặc biệt, tập trung nâng cao chất lượng, phát triển và kết nối mạng truyền số liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc đơn vị các cấp, hình thành một mạng lưới thông tin, thư viện hiện đại diện rộng của Bộ Quốc phòng với tiêu chí chuẩn hóa, hiện đại hóa, liên thông trong toàn hệ thống; xây dựng và phát triển hệ thống thư viện, phòng đọc có khả năng liên thông, tích hợp, sử dụng chung tài nguyên thông tin của các thư viện trong hệ thống, tập trung rà soát, phát triển mạng truyền số liệu quân sự đến các thư viện, phòng đọc trực thuộc nhà văn hóa của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân...

Đẩy mạnh tạo lập, tổ chức tài nguyên thông tin số hóa, trong đó, chú trọng tạo lập, tổ chức số hóa tài liệu nội sinh của Bộ Quốc phòng. Với chức năng, nhiệm vụ đặc biệt, hằng năm, Bộ Quốc phòng có lượng tài liệu nội sinh khổng lồ, quý giá. Vì vậy, việc số hóa, tổ chức, quản lý, khai thác, phổ biến, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu, ra quyết định, hoạch định chính sách, xây dựng đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng; phục vụ đào tạo, huấn luyện, giảng dạy, học tập là vô cùng cần thiết và mang lại nhiều giá trị.

Ứng dụng CNTT trên hệ thống thư viện số dùng chung của Bộ Quốc phòng, tạo tiền đề cho việc tích hợp, phân tích dữ liệu lớn (big data) trong thời gian tới. Việc liên kết, tích hợp tài nguyên thông tin trên hệ thống thư viện số sẽ tạo nên kho dữ liệu khổng lồ của Bộ Quốc phòng, là tiền đề cho việc phân tích, xử lý, khai thác, chia sẻ, phân phối, quản lý tài nguyên số tập trung, thống nhất. Việc tận dụng, khai thác có mục đích và hiệu quả nguồn tài nguyên của Bộ Quốc phòng đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận phù hợp, đáp ứng nhu cầu tin theo từng đối tượng, từng nhiệm vụ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.

Tích cực nghiên cứu, ứng dụng các xu hướng mới như tích hợp dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, khai thác dữ liệu từ các ghi dữ liệu, thói quen tìm kiếm, nhu cầu thông tin để cải tiến dịch vụ, phát triển các dịch vụ mới, tiếp cận người dùng tin, nắm bắt nhu cầu thông tin, kết nối cộng đồng, tạo lập các giao dịch mang tính cá nhân, cung cấp tài nguyên theo nhu cầu của từng người dùng, thực hiện các nhiệm vụ của một thủ thư truyền thống.

Đọc tài liệu trên môi trường số là xu hướng tất yếu của sự phát triển trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, để khai thác và đọc tài liệu số hiệu quả, đòi hỏi người dùng phải được trang bị kiến thức số, kỹ năng sử dụng phần cứng, phần mềm để tiếp cận tài liệu số dưới nhiều dạng thức. Cùng với đó, trang bị cho người dùng kiến thức tìm kiếm, xử lý thông tin trên không gian mạng, kỹ năng ứng xử đối với tài liệu trên môi trường số.

Quan tâm đào tạo, kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên CNTT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đầu tư đào tạo, hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, bảo đảm đời sống, khuyến khích thu hút kỹ sư CNTT và các chuyên gia hàng đầu tham gia nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động thư viện, quản lý và triển khai các dự án hiện đại hóa, tin học hóa, tự động hóa.

Trong bối cảnh xã hội số, chính phủ số, thông tin số, biên chế CNTT có vai trò quan trọng, trong đó, hệ thống thông tin số luôn đòi hỏi 3 thành tố cơ bản: phần cứng, phần mềm, nội dung. Để vận hành ứng dụng hệ thống, yêu cầu đội ngũ kỹ sư CNTT phải được đào tạo cơ bản, bảo đảm lượng và chất, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong chiến tranh thông tin, tác chiến trên không gian mạng…

Hồng Hà