Tự do tôn giáo trong Hiến pháp một số quốc gia châu Á và Việt Nam

- Thứ Năm, 23/09/2021, 11:33 - Chia sẻ
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Một trong những cơ sở pháp lý để xây dựng và ban hành Luật là thực hiện Điều 14, Điều 24, Hiến pháp 2013 và bảo đảm tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bài viết giới thiệu một số quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia châu Á liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, giúp người đọc có thể so sánh trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu và thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Nguyễn Khắc Huy

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra,

Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ

Pháp luật quốc tế

Điều 18, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người 1948: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”.

Điều 18, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966: “(1). Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Quyền này bao gồm tự do có hoặc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng do mình lựa chọn, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hoặc tôn giáo một mình hoặc trong cộng đồng với những người khác, công khai hoặc kín đáo, dưới các hình thức như thờ cúng, cầu nguyện, thực hành và truyền giảng. (2). Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ. (3). Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. (4). Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng quyền tự do của các bậc cha mẹ, và của những người giám hộ hợp pháp nếu có, trong việc giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho con cái họ theo ý nguyện của riêng họ”.

Hiến pháp một số quốc gia châu Á

Điều 20, Hiến pháp Nhật Bản 1946: “- Mọi công dân đều có quyền tự do tín ngưỡng. Không một tổ chức tôn giáo nào có thể nhận được đặc ân của Chính phủ hay được thực hiện thẩm quyền chính trị. - Không ai bị bắt buộc tham gia các hoạt động, lễ nghi của các tổ chức tôn giáo. - Chính phủ và các cơ quan Nhà nước không theo nền giáo dục mang tính tôn giáo và cũng không có các hành vi tôn giáo”.

Điều 20, Hiến pháp Hàn Quốc 1987: “(1) Mọi công dân được hưởng quyền tự do tôn giáo. (2) Không thừa nhận tôn giáo nào là quốc giáo, nhà thờ và nhà nước được tách biệt”.

Điều 36, Hiến pháp CHND Trung Hoa 1982: “- Công dân nước CHND Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. - Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân không được cưỡng chế công dân đi theo tôn giáo hoặc từ bỏ tôn giáo, không được phân biệt, kỳ thị người có tôn giáo và người không tôn giáo. - Nhà nước bảo đảm hoạt động tôn giáo bình thường. Nghiêm cấm bất kỳ người nào lợi dụng hoạt động tôn giáo để phá hoại trật tự xã hội, tổn hại đến sức khỏe của công dân, làm ảnh hưởng các chế độ giáo dục của nhà nước. - Đoàn thể tôn giáo và sự nghiệp tôn giáo không chịu sự chi phối của thế lực bên ngoài”.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013

Điều 24, Hiến pháp 2013 quy định: “(1). Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. (2). Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (3). Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Nhìn chung, Hiến pháp Việt Nam và các nước nêu trên đều quy định nguyên tắc mọi người (Việt Nam) hoặc công dân (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bày tỏ niềm tin, hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật; nghiêm cấm vi phạm hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Hiến pháp Việt Nam đã tương thích với Công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên khi quy định việc Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người chứ không riêng với công dân như một số quốc gia nêu trên.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thể chế Điều 24 của Hiến pháp 2013 nên đã đưa ra các quy định nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người (kể cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam và những người bị hạn chế một phần quyền công dân), xác định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do ấy. Luật chỉ quy định đối với hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, các hoạt động ở lĩnh vực khác do tổ chức, cá nhân tôn giáo thực hiện được dẫn chiếu thực hiện theo quy định pháp luật có liên quan. Luật còn quy định cụ thể về thủ tục hành chính để bảo đảm việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi.

Một số quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia châu Á cùng với pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nêu trên nhằm giúp độc giả quan tâm tham khảo trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu để thực hiện hiệu quả Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.