Tự do nói tiếng nói của cử tri

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 05:56 - Chia sẻ
Ra đời từ năm 1265, Nghị viện Anh được coi là cơ quan lập pháp có truyền thống lâu đời nhất trên thế giới. Và một trong những đặc quyền mà các nghị sĩ nước này có được trong quá trình làm nhiệm vụ dân cử là quyền tự do ngôn luận, nhằm bảo vệ họ có thể nói lên tiếng nói của người dân mà không sợ bất kỳ trừng phạt pháp lý nào.

Nghị viện Anh gồm Nhà vua và hai viện: Viện Bình dân (Hạ viện) và Viện Quý tộc (Thượng viện). Hạ viện đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của Nghị viện Anh. Bởi vậy, thuật ngữ “Nghị viện” đôi khi được dùng chỉ để biểu thị cho Viện này. Các nghị sĩ Hạ viện do cử tri trực tiếp bầu ra bằng hình thức bầu cử phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Trong khi đó, Thượng viện Anh là Thượng viện duy nhất trên thế giới có số lượng đông đảo thành viên và có cách thức thành lập không giống bất cứ Thượng viện của quốc gia nào. Số lượng thành viên của Thượng viện không cố định mà thay đổi theo thời gian.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các nghị sĩ Anh được hưởng nhiều đặc quyền, trong đó tự do ngôn luận là một trong những quyền quan trọng nhất. Thật vậy, các thành viên của Nghị viện Anh không thể bị kiện (ví dụ: Về tội phỉ báng), bị thẩm vấn ở tòa án hoặc bất kỳ thiết chế nào khác bên ngoài Nghị viện cũng như bị truy tố vì bất cứ điều gì họ phát biểu tại Hạ viện, Thượng viện hoặc các ủy ban của Nghị viện. Nghĩa là các thành viên của Nghị viện không thể bị bắt về các vấn đề dân sự vì các tuyên bố được đưa ra hoặc các hành vi được thực hiện với tư cách là một nghị sĩ trong khuôn viên của Cung điện Westminster (Tòa nhà Nghị viện), với điều kiện các tuyên bố hoặc hành vi đó xảy ra như một phần của thủ tục tại Nghị viện.

Hạ viện Anh trong một phiên họp
Nguồn: ITN 

Thuận lợi đó cho phép các nghị sĩ thay mặt các cử tri lên tiếng, bày tỏ ý kiến hoặc lên án tham nhũng, những hành vi sai trái hoặc thậm chí hoạt động tội phạm mà không sợ bị trừng phạt pháp lý. Sự bảo vệ này mở rộng đối với các thủ tục bằng văn bản: Ví dụ, các câu hỏi bằng văn bản và bằng miệng, kiến nghị, các sửa đổi được liệt kê trong các luật và kiến nghị…

Bất kỳ ai đưa ra bằng chứng cho bất kỳ ủy ban của Hạ viện cũng có quyền bảo vệ này. Có thể nói, đây là biện pháp bảo vệ an toàn cho nhân chứng và cũng bảo đảm rằng các ủy ban được lựa chọn không bị cản trở trong quá trình điều tra của họ bởi các mối đe dọa về hành động pháp lý hoặc bất kỳ hình thức đe dọa nào khác đối với nhân chứng.

Một biện pháp bảo vệ tương tự áp dụng cho bất kỳ tài liệu nào được xuất bản theo yêu cầu của Hạ viện, hoặc theo thẩm quyền của nó. Điều này bao gồm các báo cáo chọn lọc của ủy ban và bằng chứng bằng văn bản, một số báo cáo nhất định được thực hiện theo thẩm quyền luật định...

Việc bảo vệ mở rộng đến Hansard (biên bản chính thức về các buổi họp và tranh luận tại Nghị viện Anh), nhưng nếu nghị sĩ lưu hành một đoạn trích từ Hansard (ví dụ: Một bài phát biểu), thì việc bảo vệ có thể bị hạn chế hơn. Bởi vấn đề bảo vệ các tài liệu đã xuất bản được nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Tài liệu Nghị viện năm 1840. Ngoài ra, đặc quyền tự do ngôn luận không nhất thiết phải áp dụng cho việc lặp lại bên ngoài Nghị viện những điều đã phát biểu trong hoạt động Nghị viện.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người cho rằng đặc quyền của Nghị viện này đang gây tranh cãi vì khả năng bị lạm dụng. Chẳng hạn, một thành viên có thể sử dụng nó để đưa ra các cáo buộc gây tổn hại mà thông thường sẽ không được khuyến khích bởi Luật Chống phỉ báng của Anh, cho dù những cáo buộc đó có cơ sở vững chắc hay không. Thậm chí nghiêm trọng hơn, một nghị sĩ có thể phá hoại an ninh quốc gia và/hoặc sự an toàn của quân đội hoặc hoạt động bí mật khác, hay phá hoại quan hệ với nước ngoài bằng cách tiết lộ thông tin quân sự hoặc ngoại giao nhạy cảm…

Thái Anh