Từ Bluezone đến kinh tế số

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:10 - Chia sẻ
Theo thống kê, hiện có trên 20 triệu lượt tải Bluezone. Trong khi đó, để ứng dụng Bluezone có thể hoàn thành nhiệm vụ ngăn cản sự lây lan của Covid-19 và bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì cần phải có ít nhất 3/4 đến 4/5 dân số tích cực sử dụng ứng dụng này mỗi khi có tiếp xúc với người khác.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để 3/4 dân số Việt Nam sử dụng Bluezone tự nguyện và tích cực?

Trong một khảo sát ngắn do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thực hiện từ 25.8 đến 30.8.2020, lo lắng cơ bản nhất của 52% người chưa sử dụng Bluezone là “lộ lọt hành vi di chuyển và thông tin cá nhân”; 42,9% đang sử dụng “không biết Bluezone có hiệu quả hay bảo vệ được quyền riêng tư dữ liệu không”. Và, trong số những người đã từng sử dụng Bluezone nhưng dừng lại, 53,9% là do có quan ngại về lộ lọt dữ liệu hành vi cá nhân.

Những lo lắng này có thể dẫn đến một số quyết định không mấy tích cực. Họ có thể gỡ bỏ ứng dụng, hoặc vẫn lưu ở máy nhưng không bật vị trí. Những người muốn (và chuẩn bị) dùng có thể không dám tải về. Quyết định nào cũng dẫn tới việc triển khai ứng dụng Bluezone không thu được hiệu quả như mong đợi.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người dùng Việt Nam có nhu cầu không nhỏ về bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân. Vì vậy, Chính phủ phải bảo đảm, khẳng định và chứng tỏ cho người dân thấy được rằng dữ liệu cá nhân của người dân đang được bảo vệ. Biện pháp này Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện. Ngay từ đầu, Chính phủ cam kết Bluezone sẽ không tự ý thu thập dữ liệu người dùng. Đó là một cam kết thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư công dân, nhận được nhiều sự tán dương, ủng hộ của người dân, cộng đồng, cũng như các chuyên gia trong nước và quốc tế. Cam kết ấy cũng thể hiện Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu tôn chỉ: Chính phủ bảo đảm cân bằng lợi ích sức khỏe cộng đồng và quyền riêng tư, an toàn thông tin từng cá nhân.

Tuy nhiên, sự bảo đảm không nên chỉ dừng lại ở cam kết mà phải được thể hiện ở cả hành động, theo đó, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ quá trình bảo vệ dữ liệu trên Bluezone thông qua kiểm định, kiểm tra của Nhà nước, hoặc kiểm định độc lập của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Chính phủ cũng có thể chỉ đạo đơn vị thực hiện thu thập phân tích tất cả nhận xét, phản ánh của người dân về Bluezone trên Google Store và Apple Store, từ đó đưa ra giải pháp và truyền thông câu trả lời đến người dân.

Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ về kinh tế số. Đặc biệt với xu thế phát triển của công nghệ 5G, các lĩnh vực như dịch vụ y tế từ xa (telehealth), dịch vụ dược từ xa (telemedicine) đang được kỳ vọng sẽ tạo nên cách mạng cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cách đây vài ngày, Bệnh viện Bạch Mai khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Trước đó là Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… Theo thông tin chia sẻ tại sự kiện “Startup và Công nghệ kết nối dữ liệu mới” vừa qua, đến 2030 một nửa số cuộc thăm khám bệnh nhân sẽ là ảo và 1 tỷ giao dịch bác sĩ - bệnh nhân sẽ thực hiện thông qua internet trên toàn thế giới.

Tương quan giữa phát triển kinh tế số và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân không khác gì tương quan giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ quyền có môi trường sống trong lành của người dân. Để bảo đảm các doanh nghiệp khi phát triển công nghệ, dịch vụ y tế sẽ coi trọng và bảo vệ quyền riêng tư cũng như an toàn dữ liệu người dân thì ngay từ bây giờ, những động thái của Chính phủ với Bluezone chính là tấm gương. Nói cách khác, Bluezone chính là bài kiểm tra năng lực của Chính phủ trong bảo đảm cam kết bảo vệ quyền riêng tư công dân, lắng nghe và phản hồi ý kiến người dân, cũng như “làm gương” trong các hoạt động thu thập, phân tích, chia sẻ dữ liệu cá nhân người dùng.

Quan trọng hơn, đây là cơ hội quý để Chính phủ đặt ra những nguyên tắc về thu thập, phân tích, chia sẻ dữ liệu của người dân mà các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ để bảo đảm quyền riêng tư cho người dùng.

Khánh Linh