Tập huấn đầu khóa lập pháp cho tân nghị sĩ

Truyền thụ kỹ năng, kiến thức và sự tự tin

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 05:55 - Chia sẻ
Đối với các tân nghị sĩ, việc thay đổi vị thế sau khi trúng cử diễn ra khá nhanh chóng. Do đó, một số nghị sĩ trúng cử lần đầu thường không thể thích ứng ngay với “nghề nghiệp” mới của mình trên mọi khía canh và cũng không thể nắm bắt ngay được các ngóc ngách của nền quản trị quốc gia. Vì thế, hoạt động tập huấn cho nghị sĩ mới nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng và truyền thêm sự tự tin cho họ.

Các chương trình tập huấn nghị sĩ vào đầu khóa lập pháp thường là các chương trình tập huấn bắt buộc, để nghị sĩ mới nắm được quy trình, thủ tục và các dịch vụ, chế độ, kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất cho các đại biểu mới như cách sử dụng internet, máy tính, thủ tục ở kỳ họp đầu tiên…; chú ý đến kỹ năng làm việc ở các ủy ban; tạo điều kiện học hỏi các đại biểu kỳ cựu; những bài học cả hay và dở từ các khoá trước, ví dụ như những câu chất vấn hay, những câu chất vấn dở…

Chẳng hạn, Hạ viện Indonesia thường tổ chức Hội nghị giới thiệu 3 tuần dành cho các nghị sĩ mới được bầu, nhưng mời các giảng viên từ Ban Quốc gia về xã hội hóa và tăng cường nhận thức và thực thi. Hội nghị có các chủ đề như: Hiến pháp và pháp luật quốc gia, Bộ Quy tắc ứng xử của nghị sĩ, Luật về vị thế pháp lý của nghị sĩ… Tương tự, chương trình tập huấn nghị sĩ mới được bầu của New Zealand do Văn phòng Nghị viện tổ chức 3 ngày.

Nguồn: ITN

Đối với các nghị sĩ đã có kinh nghiệm, do các nghị sĩ có xuất thân rất khác nhau, điều quan trọng đối với các chương trình tập huấn, bồi dưỡng và phát triển chuyên môn là không chỉ tập trung vào những kỹ năng và năng lực cần thiết để nghị sĩ thực thi vai trò mới một cách hiệu quả ngay sau khi được bầu mà còn phải chú ý đến việc phát triển tiếp những kỹ năng đặc thù theo từng nhóm đối tượng. Mỗi giai đoạn lại đòi hỏi phải trau dồi thêm những kỹ năng, ví dụ như kỹ năng tiếp xúc với báo chí vì các nghị sĩ là người của công chúng; hoặc kỹ năng phân tích và hoạch định sách lược vì trách nhiệm của nghị sĩ với các sách lược lớn ngày càng cao. Cần xác định các yếu tố tạo nên vai trò của nghị sĩ để từ đó xác định nhu cầu về kiến thức và kỹ năng, các nguồn lực cần thiết để vận hành và quản lý một chương trình thường xuyên. Ở các nước, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nghị sĩ thường tham gia các chương trình tập huấn sau: Khóa kỹ năng (tham gia tự nguyện) cho các nghị sĩ có nhu cầu (tự trả tiền, VP mua dịch vụ); Các hội thảo về chính sách (Nghị viện tổ chức); Tập huấn dành cho nghị sĩ của Đảng (bắt buộc và tự nguyện); Nghỉ dưỡng kết hợp bồi dưỡng như trường hợp Trung Quốc.

Mặt khác, kinh nghiệm của Australia cho thấy, việc tập huấn trong nhiệm kỳ sẽ gặp khó khăn trên thực tế. Các nghị sĩ đều rất bận, do đó rất khó tham gia tập huấn thường xuyên hoặc làm những việc khác không liên quan trực tiếp đến cử tri và các công việc ở nghị viện. Đặc biệt càng khó hơn khi Nghị viện vào kỳ họp. Mà ngay cả khi Nghị viện không họp thì các nghị sĩ lại ít khi có việc ở Tòa nhà Quốc hội hoặc ở thủ đô, do đó khả năng tham gia càng bị hạn chế. Do đó, hình thức và cách thức thích hợp nhất cho việc bồi dưỡng thường xuyên có lẽ là gửi các tài liệu và/hoặc tổ chức phụ đạo trực tuyến trên mạng; tổ chức nhóm đồng môn.

Cùng với việc tập huấn cho nghị sĩ, ở nhiều nước đã đầu tư rất mạnh cho hoạt động đào tạo cho nhân viên phục vụ cơ quan dân cử như ở Singapore và Australia. Ở Thái Lan, để nâng cao tính chuyên nghiệp của các trợ lý và chuyên gia giúp việc của nghị sĩ, Viện Quốc vương Prajadhipok (KPI) xây dựng một chương trình tập huấn và phát triển theo năng lực dành cho nhân viên phục vụ. Bằng cách áp dụng các kỹ thuật tập huấn tương tác, KPI tổ chức các khóa học với những nội dung lập pháp và kỹ năng chuyên môn phù hợp. Chương trình hướng đến đặc thù của hai nhóm là chuyên gia và trợ lý, chẳng hạn đối với trợ lý nghị sĩ, sẽ có những nội dung như: Để xử lý kiến nghị của cử tri, cần tập huấn cách thức tìm hiểu kỹ các vấn đề ở khu vực đó và kỹ năng đối thoại với cử tri.

Chuyên trang được thực hiện dựa trên tài liệu của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử và một số tài liệu khác