Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trường nghề trở thành phân xưởng

- Chủ Nhật, 16/01/2022, 07:18 - Chia sẻ
Đào tạo nghề gắn với tuyển dụng hay đào tạo nghề theo địa chỉ đang là giải pháp được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) các địa phương triển khai, nhằm thu hút học viên và nâng cao hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành lao động, để nông thôn trở thành "lực hút" lao động chất lượng cao, cần có quy hoạch tổng thể trong công tác đào tạo cũng như học hỏi từ nhiều nước trên thế giới.
Đào tạo nghề gắn với sản xuất giúp lao động nông thôn nâng cao kỹ năng ngay trong quá trình học tập.
Đào tạo nghề gắn với sản xuất giúp lao động nông thôn nâng cao kỹ năng ngay trong quá trình học tập.

Tích cực đào tạo theo đơn đạt hàng

Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 10 năm qua, đã có 9,6 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 87% mục tiêu của Đề án. Trong đó, số lao động nông thôn đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đạt 5,59 triệu người.

Để đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự hiệu quả, bên cạnh đào tạo gắn với thế mạnh của từng địa phương thì việc hợp tác với doanh nghiệp tìm đầu ra cho lao động là giải pháp mang tính đột phá để thu hút lao động học nghề.

Điển hình là tỉnh Thái Nguyên, với những ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp phối hợp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho lao động. Phó Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thế Hùng cho biết, từ năm 2013 đến nay Sở  Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp tuyển lao động có hộ khẩu tỉnh Thái Nguyên đào tạo.

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chủ động phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ. Từ đó, quá trình đào tạo nghề tại nhà trường song hành với sản xuất tại các nhà máy, công xưởng. 

Còn tại một địa phương khác, theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái Lê Anh Tuấn, nhà trường đã đào tạo theo cơ chế đặt hàng do tỉnh đặt hàng và giao nhiệm vụ. Trong chỉ tiêu năm 2022, tỉnh giao trường tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu hệ trung cấp, cao đẳng và khoảng 1.400 chỉ tiêu hệ sơ cấp. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2.000 - 2.400 học sinh, sinh viên.

“Bây giờ việc tuyển sinh gắn với thực tế của địa phương. Năm vừa rồi, trường mở thêm mã nghề là Nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tại các vùng nông thôn của tỉnh trong sản xuất nông sản. Ngoài ra, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Yên Bái cũng muốn tập trung vào phát triển ngành chế biến gỗ, thị trường cũng tập trung đẩy mạnh để tuyển sinh góp phần đưa tỉnh thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực” - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Cần quy hoạch đồng bộ

Trăn trở về vấn đề phát triển nguồn nhân lực ở nông thôn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Lê Quân đã dành nhiều năm để nghiên cứu thực trạng, thành tựu và hạn chế trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, GS.TS. Lê Quân cho rằng, để giải quyết vấn đề lao động, việc làm nông thôn, các nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nhân lực khác nhau, trong đó, có một số giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo.

Đầu tiên, xây dựng chiến lược phát triển nhân lực nông thôn, tạo cơ sở để triển khai các chính sách với mục tiêu thúc đẩy nguồn nhân lực phát triển theo hướng đã định của Nhà nước. Đây là những chiến lược đồng bộ, tổng thể về nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu của chiến lược đào tạo nông dân là giúp họ có niềm tin mãnh liệt vào chính mình trước những khó khăn, để họ trở nên tích cực, năng động, sáng tạo đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất, toàn diện nhất vào xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho người lao động. Các doanh nghiệp có trách nhiệm trong việc đưa ra nhu cầu, kế hoạch về sử dụng lao động và tham gia vào quá trình đào tạo. Cùng với đó, đa dạng hóa các hoạt động đào tạo chuyên môn nghề nghiệp, chuyển giao kiến thức, kỹ năng làm việc cho lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.

GS.TS. Lê Quân chỉ ra rằng, Việt Nam cần thúc đẩy công nghiệp ở vùng nông thôn, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển nhân lực nông thôn. Bên cạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp vùng nông thôn, cần tăng cường đào tạo nghề và đổi mới chính sách đất đai... Một ví dụ như ở Nhật Bản, Chính phủ đặc biệt coi trọng phát triển công nghiệp vùng nông thôn; có chính sách, kế hoạch, quy hoạch để thúc đẩy ngành công nghiệp ở các thành phố lớn sau đó lan tỏa về nông thôn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần nhìn xa hơn và quan tâm đào tạo nghề cho thế hệ thứ hai của lao động di cư. Vì dịch chuyển lao động nông nghiệp liên quan mật thiết với di cư lao động. Lao động di cư từ nông thôn ra thành thị là cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế là đối tượng này luôn bị thiệt thòi trong nhiều chính sách, trong đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng. Đối tượng này cần được đào tạo để hòa nhập xã hội nơi thành thị, để có được nghề nghiệp, tham gia thị trường lao động với năng suất, hiệu quả lao động cao. 

Tùng Dương