Phổ biến, giáo dục pháp luật tại Quảng Nam

Trúng và đúng đối tượng

- Thứ Tư, 10/03/2021, 05:45 - Chia sẻ
Mô hình “Cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả” trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện tại Quảng Nam từ năm 2017. Kết quả là mô hình này cho thấy, việc phổ biến, giáo dục pháp luật đã đến đối tượng cần đến.

Gỡ bài toán kinh phí

Trước thực tế, hầu hết địa phương cấp xã đều có khó khăn về bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đối với các xã đồng bằng phổ biến từ 5 - 7 triệu đồng/năm, đối với các xã miền núi thì phổ biến từ 3 - 5 triệu đồng/ năm, cá biệt có xã chỉ 2 triệu đồng/năm. Đặc biệt, nhiều đơn vị cấp xã chỉ chi thù lao cho tuyên truyền viên pháp luật còn mang tính "gọi là", từ 50.000đ - 100.000 đồng/buổi, còn tuyên truyền viên thì coi đó là sự "động viên trách nhiệm" để hoàn thành nhiệm vụ. Rõ ràng sự "động viên trách nhiệm" còn khá khiêm tốn như vậy với một nhiệm vụ mang tính lâu dài thì rất khó đòi hỏi chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở được nâng cao.

Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Nam tuyên truyền pháp luật về giao thông

Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật theo mô hình tỉnh giao kinh phí cho một số đơn vị sở, ngành triển khai thực hiện tại các địa phương, bên cạnh những kết quả tích cực, cũng đã bộc lộ một số bất cập như: vẫn mang tính chất "làm điểm", làm "bài học mẫu", còn việc nhân rộng để đáp ứng yêu cầu phủ kín địa bàn cơ sở ở một tỉnh có địa hình khá rộng và không đồng đều như Quảng Nam là điều không thể.

Hơn nữa ở các sở, ngành của tỉnh hiện nay chưa hình thành được tổ chức pháp chế cấp phòng, do đó nguồn lực về nhân sự chưa thể đáp ứng được yêu cầu trực tiếp cung cấp thông tin pháp luật chuyên ngành về cơ sở cho người dân một cách thường xuyên, chuyên nghiệp. Trong quá trình tổ chức thực hiện các đề án phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ngành, hiện tượng trùng lặp về nội dung tuyên truyền và địa bàn thực hiện thường xảy ra làm cho một số địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp, trong khi một số địa phương khác bị "bỏ trống".

Sau 3 năm thực hiện, 244 xã/244 xã của tỉnh đều được hưởng thụ từ Đề án Phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2018 - 2020, bảo đảm sự phủ kín, không bỏ trống và trùng lặp về địa bàn thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phổ biến theo đơn đặt hàng

Đầu năm 2017, Sở Tư pháp Quảng Nam đã đề xuất UBND tỉnh chuyển đổi mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng: thay vì giao kinh phí theo chiều ngang cho một số sở, ngành chức năng của tỉnh bằng việc chuyển dọc nguồn kinh phí này xuống các địa phương theo mô hình "tỉnh bố trí kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả".

Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí bình quân khoảng 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho cấp xã; các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi 10 triệu đồng/năm. Từ nguồn kinh phí đó, tỉnh giao cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp tỉnh (Sở Tư pháp) quản lý nguồn vốn; tiến hành "đặt hàng" thông qua hợp đồng ủy quyền với 18 Phòng Tư pháp của 18 huyện, thị xã, thành phố.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các Phòng Tư pháp với tư cách là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp của cấp huyện sẽ tổ chức phối hợp với các cơ quan thành viên (phòng, ban huyện) để triển khai đưa pháp luật về các xã, theo nhu cầu cụ thể với đặc điểm khác nhau của từng địa bàn đồng bằng, trung du, miền núi. Riêng đối với 22 xã thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, UBND tỉnh giao Bộ đội Biên phòng trực tiếp thực hiện; 22 xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật (giao Công an tỉnh thực hiện (năm 2017) và Sở Tư pháp thực hiện (từ năm 2018 - 2020).

Đi đôi với việc “đặt hàng” các huyện, thị xã, thành phố, để hoạt động tuyên truyền pháp luật tại các địa phương đạt hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước theo lĩnh vực, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp định hướng nội dung pháp luật cần tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở; trên cơ sở đó Sở Tư pháp tổng hợp và hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong từng năm.

Từ kết quả thực hiện cho thấy, trước hết Mô hình giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời khắc phục được sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn khi ngân sách của tỉnh được giao cho các sở, ngành thực hiện. Nhưng điều quan trọng hơn của mô hình này là nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng phù hợp (cả về nội dung lẫn hình thức) với đặc điểm sinh hoạt dân cư ở từng vùng miền, có tính linh hoạt cao mà không bị rập khuôn máy móc.

Phạm Hải