Trúng tuyển chính thức, trúng tuyển tạm thời

- Thứ Tư, 19/08/2020, 08:13 - Chia sẻ
Hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại một số địa phương chưa thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể biết được thí sinh có đỗ tốt nghiệp không và đỗ với kết quả ra sao. Thế nhưng theo thông tin trên báo chí, một số trường đã thông báo thí sinh có điểm xét tuyển đạt yêu cầu được phép nhập học tạm thời và chờ kết quả thi tốt nghiệp.

Hình thức xét tuyển mà một số trường đã nêu là xét học bạ và cũng chỉ là "trúng tuyển tạm thời" - tức vẫn có thể trượt nếu kết quả thi tốt nghiệp không như mong muốn. Trả lời báo chí về việc này, đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, do dịch diễn biến phức tạp nên một số thí sinh chưa thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra từ ngày 8 - 10.8. Do vậy, để bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh trên một cách công bằng, khách quan, Công văn số 2931/BGDĐT-GDĐH ban hành ngày 6.8.2020 quy định: Căn cứ kế hoạch tuyển sinh của trường và hồ sơ của thí sinh đăng ký xét tuyển, các trường công bố công khai điều kiện trúng tuyển vào trường theo các phương thức này để thí sinh nhập học khi được công nhận tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Quy chế tuyển sinh 2020 cũng đã quy định, thí sinh trúng tuyển vào trường cần nộp bản sao hợp lệ những giấy tờ, trong đó có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời đối với những người trúng tuyển ngay trong năm tốt nghiệp hoặc bằng tốt nghiệp THPT đối với những người đã tốt nghiệp các năm trước. Những người mới nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, đầu năm học sau phải xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp THPT để đối chiếu kiểm tra. Như vậy có thể thấy, dù có lý giải, có "tạo điều kiện" như thế nào thì cũng không thể có chuyện trúng tuyển tạm thời hay nhập học tạm thời.

Chuyện học hành, thi cử là chuyện của cả đời người, trong đó, ngưỡng cửa đại học đặc biệt được coi trọng. Bởi vậy, việc một thí sinh nào đó có trúng tuyển vào đại học hay không cần phải được thực hiện theo đúng quy định chứ không thể tùy nghi, tùy tiện. Bài học tại một trường đại học ở phía Bắc là minh chứng rõ nhất: Dù không được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo, nhưng mỗi năm trường này vẫn tuyển sinh hàng trăm sinh viên ngành ngôn ngữ Anh văn bằng 2. Cũng tại trường này xảy ra tình trạng sinh viên khi nhận giấy báo nhập học mà không hiểu vì sao mình lại đỗ.

"Đỉnh điểm" của những chuyện lạ trong cách tuyển sinh này là chỉ trong một ngày, vị phó hiệu trưởng đã ký 7 quyết định buộc thôi học với 3.439 sinh viên đang theo học hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học và từ trình độ trung cấp lên đại học. Nếu ngược lại thời điểm tháng 11.2019, hàng trăm sinh viên hệ chính quy các ngành y đa khoa và răng hàm mặt của trường này cũng phải nhận quyết định bị buộc thôi học. Các năm 2017, 2018 và trước đó, số sinh viên của trường bị đuổi học cũng lên đến hàng nghìn sinh viên với nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do tuyển sinh ồ ạt, tuyển vượt chỉ tiêu, vượt năng lực đào tạo của trường...

Luật Giáo dục đại học và các văn bản hiện hành quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Thế nhưng, chỉ những thí sinh đã tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện nhập học vào các trường. Quy định này cần phải được thực hiện nghiêm túc để tránh "vết xe đổ".

Linh Trang