Trung Quốc: Công cụ mạnh mẽ cho chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”
Các chiến dịch mạnh mẽ như “đả hổ, diệt ruồi”, “lưới trời”… từ lâu đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của đất nước gấu trúc. Đặc biệt, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc ngày càng mở rộng làm ăn ra bên ngoài, ngay từ năm 2011, Quốc hội nước này đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự (BLHS), đưa ra quy định nghiêm cấm hối lộ công chức nước ngoài (CCNN)…
Phù hợp với quốc tế
Có thể nói, việc sửa đổi BLHS, trong đó đưa ra quy định nghiêm cấm hối lộ CCNN là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã tuân theo các hiệp ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Chống tham nhũng của LHQ mà Trung Quốc đã phê chuẩn năm 2006. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã trở thành thành viên của Tổ chức Sáng kiến chống tham nhũng cho châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (ADB/OECD) đồng sáng lập năm 2005. Bên cạnh đó, là thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc với tư cách là thành viên của OECD và nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh chống tham nhũng. Hơn nữa, điều này cũng cho thấy mối quan tâm của nước này về việc số lượng các công ty Trung Quốc đã và đang có hoạt động ở nước ngoài ngày càng tăng, cũng như cung cấp nền tảng pháp lý cho các cơ quan có liên quan để thực thi các hoạt động điều tra đối với các công ty Trung Quốc đang làm ăn ở nước ngoài khi cần thiết.

BLHS nghiêm cấm một cá nhân hoặc một pháp nhân đưa “tiền hoặc tài sản” cho một công chức nhà nước, một viên chức không thuộc nhà nước hoặc bất kỳ pháp nhân nào vì mục đích thu được “lợi ích không chính đáng”, dù là trực tiếp hay thông qua trung gian cho CCNN đó hoặc cho bên thứ ba. Việc nghiêm cấm áp dụng đối với cả hai loại công chức nhà nước và không thuộc nhà nước.
Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của các điều khoản áp dụng đối với tội hối lộ trong thương mại. Hình phạt áp dụng cho cá nhân là từ 3 đến 10 năm tù tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội; hình phạt đối với các pháp nhân là phạt tiền, và trong trường hợp này người chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi phạm tội đó có thể bị áp dụng hình phạt tù đến 10 năm.
Cả công ty lẫn cá nhân đều có thể bị xử phạt
Khác với các quy định pháp luật của một số quốc gia như Mỹ, Anh, Nhật Bản… BLHS của Trung Quốc chỉ đơn giản xác định việc hối lộ CCNN hoặc công chức của các tổ chức quốc tế là một loại của tội đưa hối lộ. Luật không đưa ra định nghĩa về “CCNN” hoặc “tổ chức quốc tế công”. Bên cạnh đó, liên quan đến tội hối lộ, BLHS chỉ công nhận lợi ích vật chất chứ chưa đề cập đến các lợi ích phi vật chất.
Ở Trung Quốc, cả công ty và cá nhân đều có thể bị xử phạt theo Luật Hình sự sửa đổi về hối lộ CCNN bởi quy định này áp dụng cho tất cả các công ty, doanh nghiệp và tổ chức được thành lập và hoạt động theo luật Trung Quốc, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hoặc liên doanh. Đồng thời Luật được áp dụng đối với cá nhân và công ty thực hiện hành vi hối lộ ở trong hoặc ngoài lãnh thổ của Trung Quốc.
Cụ thể, Điều 6 BLHS ghi rõ: “Các tòa án sẽ có thẩm quyền xét xử đối với hành vi hối lộ và hành vi phạm tội khác được thực hiện bởi công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài hoặc các pháp nhân tại Trung Quốc; hành vi hối lộ và hành vi phạm tội khác được thực hiện bởi công dân Trung Quốc hoặc người nước ngoài hoặc các pháp nhân trên tàu hoặc trên máy bay của Trung Quốc; hành vi hối lộ và hành vi phạm tội khác được thực hiện bên ngoài Trung Quốc với mục đích thu được lợi ích bất hợp pháp tại Trung Quốc; cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc hối lộ CCNN hoặc công chức của tổ chức quốc tế công bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc…
Liên quan đến việc thực thi pháp luật, BLHS sửa đổi của Trung Quốc yêu cầu các tổ chức kinh tế áp dụng các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm việc tuân thủ một cách toàn diện. Đặc biệt, trong năm 2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã yêu cầu các công ty Trung Quốc kinh doanh ở nước ngoài tuân thủ các quy tắc quốc tế, thực hiện đấu thầu hợp lý, cấm các giao dịch không phù hợp, từ chối tham nhũng và các khoản hoa hồng.