Trục lợi từ dịch bệnh!

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 08:14 - Chia sẻ
Giữa bối cảnh dịch bệnh gia tăng, các cơ quan chức năng và người dân cả nước đang chung tay chống dịch thì vẫn có những đối tượng gian thương lợi dụng dịch bệnh để tung ra thị trường những thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng...

Thời gian gần đây lực lượng chức năng TP. Hà Nội liên tục phát hiện nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển dụng cụ test nhanh Covid-19 nhập lậu, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chỉ tính từ đầu tháng 6.2021 đến nay, các cơ quan chức năng tại Hà Nội đã phát hiện 5 vụ nhập lậu, buôn bán các bộ test nhanh Covid-19 không có hóa đơn chứng từ; thu giữ hàng chục nghìn que test không đủ điều kiện lưu thông ra thị trường. Mới đây nhất, ngày 3.8, hàng nghìn bộ test nhanh Covid-19 nhập lậu đã bị Đội Cảnh sát kinh tế, công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, thu giữ.

Liên quan đến vụ việc nêu trên, đại diện Công an Quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong quá trình tuần tra kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội lực lượng chức năng đã phát hiện đối tượng Phan Văn Tuấn vận chuyển 2 thùng xốp, bên trong có chứa hàng nghìn bộ test nhanh Covid-19. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đã đặt mua số hàng này từ bên Đức, sau đó vận chuyển lậu về Việt Nam để bán kiếm lời. Mỗi 1 hộp test nhanh, Tuấn nhập về với giá khoảng 200.000 đồng, sau đó rao bán trên mạng xã hội với giá 450.000 đồng. Theo cơ quan công an cho biết, khách mua bộ test nhanh của đối tượng này đa phần là các đầu nậu nhỏ lẻ, sau khi qua tay những đối tượng này mỗi bộ test sẽ bị thổi giá lên tới 1,2 - 1,3 triệu đồng.

Từ những vụ việc trên, đồng thời thông tin về vấn đề test thử Covid-19 được rao bán trên thị trường thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid - 19 Trần Văn Thuấn cho biết: Hiện nay, các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế. Việt Nam đã quy định, kể cả các test (xét nghiệm) nhanh cũng phải được sử dụng ở phòng thí nghiệm và phải bảo đảm an toàn sinh học.

Cũng theo các chuyên gia y tế, sử dụng kit xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Để ngăn chặn, kiểm soát, không để gian thương lợi dụng tình hình dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 604/TTrB-P1 gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch Covid -19. Bộ Y tế cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Dù vậy, dư luận cho rằng, với số hàng từ vụ việc nêu trên, nếu bán trót lọt ra thị trường, các đối tượng có thể thu lời bất chính hàng trăm triệu đồng. Đây không những là hành vi trục lợi từ dịch bệnh mà còn gây khó khăn cho công tác chống dịch của cơ quan chức năng khi lén lút buôn bán những thiết bị y tế chưa qua kiểm định. Chế tài và quy định xử phạt đối với từng đối tượng vi phạm để ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch đã có; các lực lượng chức năng thời điểm này cũng rất nỗ lực trong việc truy vết, phát hiện và xử lý nghiêm tội phạm. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác, không vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, lén lút làm liều, vì những hành vi thiếu đúng đắn này có thể gây hệ quả khôn lường là nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng khi mà các bộ test thử nhanh Covid-19 kia chưa được kiểm định kỹ lưỡng.

Hải Thanh