Trong "cổng" có gì?

- Thứ Bảy, 12/09/2020, 05:13 - Chia sẻ
Bộ Y tế khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế (ngày 9.9) giữa lúc vụ nâng khống giá robot chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai còn đang nóng hổi. Lãnh đạo Bộ cho biết, các cơ sở y tế có thể tham khảo giá và cấu hình thiết bị đăng tải trên Cổng để lập dự toán, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng khi mua sắm, đấu thầu trang thiết bị.

Đây quả là tin vui với các doanh nghiệp kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp trong ngành và người bệnh. Bởi một khi thông tin được minh bạch hóa, cơ hội cho những doanh nghiệp kinh doanh chân chính tham gia vào cung cấp thuốc, vật tư y tế sẽ lớn hơn. Người bệnh cũng sẽ hưởng lợi vì chi phí khám chữa bệnh có thể giảm xuống nhờ bệnh viện cắt được những chi phí không chính thức và tránh được những hành vi gian lận, móc ngoặc.

 Cũng với mục tiêu cung cấp dữ liệu, thông tin cần thiết về tình hình tài chính quốc gia để người dân, doanh nghiệp nắm bắt và giám sát, hôm 26.8 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức vận hành Cổng Công khai ngân sách nhà nước. Cơ quan này cho biết Cổng được xây dựng trên cơ sở tham khảo các mô hình tiên tiến trên thế giới và là bước đi nhằm hiện thực hóa cam kết công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công của Chính phủ. Dù bước đầu dữ liệu được cập nhật còn khá khiêm tốn, nhưng các thông tin cơ bản về thu chi ngân sách, dự toán và quyết toán của các bộ, ngành và địa phương đang dần được cập nhật trên Cổng.

Sau đó vài ngày, đến lượt Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ khởi động Cổng Dữ liệu quốc gia. Khi đi vào hoạt động, Cổng sẽ là đầu mối cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, để người dân, doanh nghiệp, cộng đồng khai thác nhằm phục vụ nghiên cứu, học tập, sáng tạo sản phẩm đóng góp cho sự phát triển của Nhà nước và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế. Cổng cũng cho phép người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dữ liệu của mình, về mình do cơ quan nhà nước nắm giữ…

Có thể thấy, thực hiện chủ trương xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả của Chính phủ, ngày càng nhiều bộ, ngành ứng dụng công nghệ số để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của mình. Cách tiếp cận này hoàn toàn đúng và trúng, bắt kịp xu thế số hóa - hướng tới Chính phủ số mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang ưu tiên thúc đẩy.

Tuy vậy, để tiến trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ có thể phát huy hết hiệu quả, vẫn còn rất nhiều công việc mà các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện. Đầu tiên là cập nhật dữ liệu đầy đủ và kịp thời cho các hệ thống thông tin đã được xây dựng. Ý nghĩa lớn nhất của Cổng thông tin là giúp các bộ, ngành công khai, minh bạch dữ liệu về hoạt động của mình cho người dân được biết. Điều kiện cần (là “cổng”) đã có, nhưng điều kiện đủ là “cổng” phải có dữ liệu và dữ liệu được mở ra cho người dân, doanh nghiệp, báo chí, xã hội tiếp cận, để từ đó thực hiện chức năng góp ý, giám sát của mình. Chỉ khi dữ liệu được cung cấp đầy đủ và cập nhật kịp thời thì “cổng” mới phát huy được giá trị phục vụ cung cấp thông tin.

Về dài hạn, cung cấp thông tin mới chỉ là một vế của đáp ứng trách nhiệm giải trình. Quan trọng hơn nữa, ý kiến của người dân cần được ghi nhận, phản hồi, từ đó trở thành một nguồn tham khảo cho tiến trình ra quyết định chính sách để phục vụ người dân. Như vậy, “cổng” không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là nơi tương tác, trao đổi ý kiến giữa cơ quan nhà nước và các bên có liên quan. Một khi người dân tin tưởng, tăng cường tương tác với chính quyền, thì chất lượng hoạch định, thực thi chính sách chắc chắn sẽ được cải thiện.

 

 

 

Hà Lan