Thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước...

Trong biến cố càng thấy rõ niềm tin

- Thứ Ba, 03/11/2020, 07:53 - Chia sẻ
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 được xây dựng khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, cũng không thể lường được thiên tai, bão lũ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến khu vực miền Trung như những ngày vừa qua. Do vậy, bên cạnh các số liệu được Chính phủ báo cáo Quốc hội, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng qua, 2.11, nhiều đại biểu Quốc hội đã bổ sung số liệu mới cho thấy, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu “quan tâm”, “thực hiện có hiệu quả”, mà cần dành nguồn lực thích đáng để hỗ trợ người lao động mất việc do dịch bệnh, cũng như giúp người dân phục hồi sau bão lũ.

“Chưa năm nào như năm nay”…

Theo báo cáo của Chính phủ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 - 1933. Ở trong nước, đại dịch này cũng tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh bị đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập. 

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu rõ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến lao động, việc làm, với số lao động bị ảnh hưởng lên tới 31,8 triệu người. Theo thống kê của Viện Công nhân và Công đoàn, đại dịch Covid-19 làm xu hướng nghèo hóa của công nhân, nhất là công nhân ở đô thị có nguy cơ gia tăng. Nguy cơ này thể hiện qua việc sụt giảm mạnh về tiền lương. Có đến 50% số lao động được hỏi cho biết đã bị giảm lương, trong đó một số ngành giảm sâu 70 - 80% như giao thông - vận tải, dịch vụ du lịch.

Tiền lương giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người lao động, với 60% người lao động được hỏi cho biết phải chi tiêu thắt lưng buộc bụng, 40% người lao động phải giảm dinh dưỡng bữa ăn, số người phải sử dụng tiền tích lũy, vay của người thân cũng đáng quan tâm. Tiền lương giảm cũng ảnh hưởng đến gia đình người lao động, khi 27% ý kiến cho biết không thực hiện học tập, nâng cao tay nghề, 13% không thực hiện được khám chữa bệnh. Khoảng 30% số gia đình được hỏi cho biết từ khó khăn này đã ảnh hưởng tình cảm gia đình, vợ chồng xích mích.

ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết, gói hỗ trợ an sinh xã hội được ban hành khá sớm nhưng người lao động được thụ hưởng rất ít. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến tháng 7.2020, khoảng 16 triệu đối tượng được thụ hưởng, chủ yếu là gia đình chính sách, hộ nghèo, chỉ có 402 nghìn người lao động được hưởng gói hỗ trợ. Lý do chưa tiếp cận được là bởi chính sách chưa sát thực tế.

“Người lao động đang đứng trước khó khăn gay gắt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, khả năng tiếp cận công việc sau đại dịch, mà còn có nguy cơ nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp còn khó khăn, thì một lực lượng trong những lao động khó khăn này có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, lệch chuẩn, cũng như kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác”, ĐB Ngọ Duy Hiểu cảnh báo.

Đại dịch Covid-19 vẫn chưa hết nguy cơ thì thiên tai bất thường, cực đoan đã ập đến. Từ đầu năm đến nay, nước ta phải chịu 16 loại hình thiên tai; 9 cơn bão trên Biển Đông, bây giờ chuẩn bị bão số 10 - siêu bão Goni; 263 trận giông lốc mưa lớn; 49/63 tỉnh, thành phố đều bị thiên tai các loại; 15 trận lũ lớn, sạt lở đất; 72 trận mưa lớn gây ngập úng lũ. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có 79 trận động đất, trong đó trận động đất gần đây nhất 27.7 có cường độ 5,3 độ richter. Hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long cũng gây ảnh hưởng tới sản xuất cây ăn quả, đời sống của bà con. Riêng cuối tháng 9, đầu tháng 10 miền Trung phải oằn mình trong thiên tai, bão lũ.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) lo lắng khi nhiều gia đình ở miền Trung phải tích lũy 10 - 20 năm mới xây được ngôi nhà, xây dựng chỗ ở kiên cố nhưng đã bị cuốn trôi, sụp đổ qua đợt bão lũ. Các đoàn cứu trợ đã kịp thời đưa đến cho đồng bào miền Trung sự hỗ trợ quý giá và kịp thời nhưng khó có thể giúp người mất nhà xây lại nhà. Sau trận lũ lụt lịch sử hiện nay, người nghèo ở miền Trung nếu không được trợ giúp, ĐB Nguyễn Anh Trí e ngại, sẽ rất dễ trở nên bần cùng hóa.

"Chưa có năm nào như năm nay". Nêu nhận định này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chỉ rõ, Quốc hội phải tập trung xem xét, qua đó xác định những giải pháp để vừa khắc phục hậu quả, vừa có sự chuẩn bị để đề phòng, ứng phó với những diễn biến mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan chức năng cần tập trung bàn các biện pháp để khắc phục hậu quả thiên tai ở các tỉnh miền Trung. Khi xem xét kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cần dành chính sách, nguồn lực để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương thực hiện các công tác này. Trước mắt, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ lương thực, thuốc men để sau bão lũ, thiên tai, người dân không bị dịch bệnh, không bị đói; bảo đảm trường học, trụ sở, nhà của dân được tu sửa, quét dọn sạch sẽ để trở lại cuộc sống, chưa bình thường được thì cũng phải giảm bớt khó khăn. 

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) thảo luận tại tổ

Ảnh: Quang Khánh 

Tạo động lực phát triển dài hạn cho doanh nghiệp

Dù khó khăn chồng chất khó khăn nhưng nhiều ĐBQH chia sẻ cảm nhận sâu sắc và mạnh mẽ về tình thân ái, thương người của người dân Việt Nam. ĐB Nguyễn Anh Trí nhận thấy, chưa bao giờ những bài học, nhất là bài học giáo dục thế hệ trẻ hiện nay lại sống động như trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ ở miền Trung những ngày vừa qua. Việc thế hệ trẻ nhiệt tình tham gia cứu trợ, hỗ trợ đồng bào đã giúp họ hiểu hơn về truyền thống “thương người như thể thương thân” của cha ông ta. 

Điều quan trọng hơn, nhiều ĐBQH cho rằng, qua dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, nhân dân đã thấy rõ hơn tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là khả năng điều hành của Chính phủ, giúp củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), khi có biến cố, càng thấy rõ niềm tin của người dân dành cho Đảng, Nhà nước. 

Nhiều giải pháp để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch và khắc phục hậu quả thiên tai cũng đã được ĐBQH tập trung phân tích. Trong đó, cần khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển bứt phá thị trường trong nước gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và lợi ích người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở cửa thận trọng, có kiểm soát, tập trung phát triển thị trường trong nước; phát huy hơn nữa vai trò của ngành nông nghiệp với tư cách là “bà đỡ” cho nền kinh tế; hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư và quá trình chuyển đổi số…

Riêng với việc triển khai các gói kích thích nền kinh tế, một số ĐBQH lưu ý, cần hướng tới tạo động lực phát triển dài hạn cho doanh nghiệp, thay vì tư duy để phục hồi như hiện nay. Cần tập trung rà soát cơ chế, chính sách, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Lê Bình