Chính sách bảo hiểm y tế

Trọn vẹn ý nghĩa an sinh

- Thứ Ba, 26/10/2021, 06:26 - Chia sẻ
Việt Nam đi muộn hơn về chính sách bảo hiểm nhưng đi nhanh hơn về độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đồng thời, chính sách BHYT đã thể hiện được tính ưu việt, bảo đảm lợi ích của người dân; dịch vụ y tế và chất lượng các dịch vụ y tế, đặc biệt mở rộng phạm vi quyền lợi được hưởng cho những người đóng BHYT.

Thể hiện rõ tính ưu việt

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020; tính đến 31.12.2020, số người tham gia BHYT là 87,96 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% chỉ tiêu được giao. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng cho hơn 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng BHYT.

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 22.10, xung quanh nội dung quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, ĐBQH Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, tỷ lệ bao phủ BHYT đến cuối năm 2020 đạt 90,85% là một thành công rất lớn. Chính sách bảo hiểm là một chính sách quan trọng, rất nhân văn nhằm chia sẻ rủi ro xã hội. Trước đây, người dân không mua thẻ BHYT, khi ốm đau đến bệnh viện rất đáng lo ngại. Trong khi với thẻ BHYT, có người được chi trả hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Đơn cử như mới đây, sản phụ mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh được chi trả hơn 2 tỷ.

Mặc dù chỉ tiêu phát triển người tham gia BHYT theo Nghị quyết số 68 đã hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ BHXH bảo đảm kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia…

ĐBQH Đinh Ngọc Quý (Gia Lai) cho biết, hiện có 28 nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí, 4 nhóm ngân sách nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, tỷ trọng ngân sách nhà nước chi cho mua thẻ BHYT rất lớn khoảng 37%, số nhóm đối tượng được cấp thẻ BHYT miễn phí cũng rất lớn với gần 60%, đã đẩy tốc độ tham gia BHYT ở nước ta vượt mục tiêu Nghị quyết 68 và đạt mục tiêu đặt ra của năm 2020…

Bảo đảm quyền lợi BHYT cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Nguồn: ITN

Cân nhắc hỗ trợ một số nhóm đối tượng

Thảo luận về chính sách BHYT, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861 phê duyệt danh sách xã thuộc khu vực II, III và khu vực I thuộc khu vực vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó, Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 433 thay thế Quyết định số 612 xác định xã và thôn đặc biệt khó khăn. Như vậy, thực tế còn hơn 1.832 xã với 2,1 triệu đồng bào DTTS không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT, nên rất khó khăn.

Thực tế, từ khi thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định số 433, tỷ lệ bao phủ BHYT tại các địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh; dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục giảm khi tăng tỷ lệ xã hoàn thành nông thôn mới ở các địa phương. ĐBQH Chá A Của (Sơn La) nêu ý kiến, kể cả các xã này đạt chuẩn nông thôn mới hoặc được chuyển từ vùng III xuống vùng II, vùng II xuống vùng I, vẫn còn một bộ phận đồng bào ở khu vực này còn khó khăn, không khác gì các xã vùng III được Chính phủ công nhận, cho nên đề nghị Chính phủ xem xét và cân nhắc.

ĐBQH K’Nhiễu (Lâm Đồng) đề nghị, Chính phủ nghiên cứu tiếp tục có chính sách hỗ trợ đóng BHYT đối với đồng bào DTTS đã thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Đồng thời, các cơ quan chức năng nghiên cứu các biện pháp để sớm bảo đảm cho các đối tượng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được bao phủ BHYT, thực hiện trọn vẹn ý nghĩa của công tác an sinh xã hội toàn dân.

Còn theo ý kiến của ĐBQH Trương Xuân Cừ (Hà Nội), cần tăng cường kết nối thông tin, tuyên truyền để người dân tích cực tham gia BHYT. Mặt khác, Bộ Y tế cần phối hợp với các bộ, ngành có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao và đầu tư hơn cho công tác khám, chữa bệnh. Đây cũng là những giải pháp căn cơ để thúc đẩy người dân tham gia đóng BHYT.

Dương Cầm