Theo hãng thông tấn trung ương của nước này, Triều Tiên đã sử dụng tên lửa đẩy loại mới Chollima-1 để đưa vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào quỹ đạo. Các chuyến bay ở giai đoạn một và giai đoạn hai của tên lửa diễn ra bình thường, nhưng vụ phóng cuối cùng đã thất bại do lỗi trong hệ thống kích nổ khẩn cấp trong chuyến bay giai đoạn ba.
Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia cho biết họ sẽ thực hiện lần phóng thứ ba vào tháng 10 sau khi nghiên cứu vấn đề trục trặc trong vụ phóng hôm 24.8. Cơ quan này nói thêm rằng “nguyên nhân của thất bại không phải là vấn đề lớn xét về độ tin cậy của động cơ xếp tầng và hệ thống”.
Đầu ngày 24.8, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã phát hiện tên lửa bay trên vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía tây của Bán đảo Triều Tiên sau khi nó được phóng lúc 3h50 sáng tại khu vực Tongchang-ri phía Tây Bắc của Triều Tiên, nơi trung tâm phóng chính được đặt. Triều Tiên đã phóng một vệ tinh do thám thất bại vào cuối tháng 5.
Quân đội Hàn Quốc cho biết họ cũng xác định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã thất bại. Họ cho biết vụ phóng tên lửa vẫn vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ đạn đạo.
Nước láng giềng Nhật Bản đã đưa ra “cảnh báo J” yêu cầu một số cư dân sơ tán đến nơi an toàn khi tên lửa của Triều Tiên bay qua hòn đảo cực Nam Okinawa của Nhật Bản tới Thái Bình Dương. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Thủ tướng Fumio Kishida đã ra lệnh cho các quan chức kiểm tra thiệt hại và phối hợp với các quốc gia đồng minh, nhưng chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã điện đàm và lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
Trong nỗ lực phóng đầu tiên hồi tháng 5, một tên lửa mang theo vệ tinh do thám của Triều Tiên đã lao xuống biển ngay sau khi cất cánh. Giống như hôm 24.8, Triều Tiên cũng nhanh chóng thừa nhận thất bại trong vụ phóng trước đó, nói rằng vụ tai nạn xảy ra do tên lửa Chollima-1 bị mất lực đẩy giữa các giai đoạn phóng.
Quân đội Hàn Quốc đã thu hồi được một số mảnh vỡ sau lần phóng đầu tiên và hồi đầu tháng 7 cho biết vệ tinh của Triều Tiên không đủ tiên tiến để tiến hành trinh sát quân sự. Một số chuyên gia dân sự cho biết vệ tinh do thám được truyền thông nhà nước Triều Tiên tiết lộ trước đó có khả năng chỉ phát hiện được các mục tiêu lớn như tàu chiến hoặc máy bay. Họ cho biết nhờ có nhiều vệ tinh như vậy, Triều Tiên vẫn có thể quan sát Hàn Quốc mọi lúc.
Vụ phóng tên lửa hôm 24.8 diễn ra ba ngày sau khi quân đội Mỹ và Hàn Quốc khởi động các cuộc tập trận quân sự hàng năm mà Triều Tiên phản đối. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết cuộc tập trận Mỹ-Hàn kéo dài 11 ngày đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Kể từ đầu năm 2022, Triều Tiên đã bắn thử khoảng 100 tên lửa. Triều Tiên cho biết việc thử nghiệm vũ khí của họ là một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng răn đe hạt nhân nhằm chống lại các mối đe dọa quân sự. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên đặt mục tiêu hiện đại hóa kho vũ khí của mình để tăng cường đòn bẩy nhằm giành được những nhượng bộ lớn hơn từ Mỹ.
Vệ tinh do thám nằm trong số các hệ thống vũ khí công nghệ cao mà Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã công khai tuyên bố sẽ mua. Những vũ khí khác trong danh sách mong muốn của ông là tên lửa đa đầu đạn, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tên lửa đạn đạo liên lục địa dùng nhiên liệu rắn và tên lửa siêu thanh.
Kể từ năm 2017, Triều Tiên đã thực hiện một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, chứng tỏ khả năng phóng tên lửa đến bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên vẫn còn một số rào cản công nghệ cần giải quyết trước khi có được tên lửa hạt nhân hoạt thực sự có thể hoạt động.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã không thể áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt đối với hàng loạt vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên vì các thành viên có quyền phủ quyết thường trực là Nga và Trung Quốc phản đối.