Chỉ thị số 04-CT/TW về thu hồi tài sản tham nhũng

Triệt tiêu động cơ, khắc phục hậu quả

- Thứ Bảy, 26/06/2021, 05:56 - Chia sẻ
Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thể hiện quan điểm mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng đối với tội phạm tham nhũng. Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sẽ góp phần quan trọng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra.

Rõ đến đâu, xử đến đấy

Vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, nhận định, đây là chủ trương hết sức quan trọng của Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành trong công tác thu hồi tài sản bị tham nhũng, chiếm đoạt, đặc biệt chỉ ra nhiều giải pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, thời gian qua, cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020, đã đạt tỷ lệ 32,04%. Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chính là góp phần quan trọng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra.

Chỉ thị số 04-CT/TW xác định việc thu hồi tài sản là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ thị nhấn mạnh, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Thực tế đã có những vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản liên quan đến các vụ án tham nhũng do pháp luật chưa quy định. Vừa qua, chúng ta mới chủ yếu thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự. Nhưng nếu cứ đợi thông qua bản án hình sự mới thu hồi sản thì tài sản, tiền bạc sẽ bị hư hao, mất mát, chuyển dịch rất nhiều, kết quả là rất khó thu hồi.

Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa. Dẫn chứng về vụ án Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG), đã thu hồi 100% tài sản bị thất thoát (hơn 8.000 tỷ đồng), với tinh thần chỉ đạo của Trung ương “rõ đến đâu xử đến đấy”, “làm đến đâu, thu đến đấy”, ông Đinh Văn Minh cho biết, trong vụ án này, chúng ta đã áp dụng cơ chế thu hồi ngay trước khi xét xử, tức là trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã thấy rõ vi phạm, thậm chí những người vi phạm cũng đã thừa nhận và tự nguyện nộp lại tài sản, nên tịch thu ngay. 

Ảnh minh họa
Nguồn internet

Kiểm soát qua “ngàn vạn lỗ tai, con mắt quần chúng” 

Chỉ thị số 04-CT/TW cũng xác định rất nhiều biện pháp, nhiệm vụ phải thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, mỗi giải pháp, biện pháp đều rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là con người. Chúng ta phải tăng cường nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này; tạo điều kiện để các cơ quan hữu quan phát huy hết trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ của mình. Đơn cử, trong một vụ án, có nhiều cơ quan có liên quan như thuế, hải quan, nhà đất, ngân hàng, quản lý chứng khoán, cổ phiếu… thì mỗi cơ quan phải xác định rõ trách nhiệm của mình và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thu hồi tài sản hiệu quả nhất. 

Đặc biệt, cần huy động sự tham gia của xã hội, công luận, người dân và báo chí, bởi như Bác Hồ nói “ngàn vạn lỗ tai, con mắt của quần chúng” là cơ chế kiểm soát tốt nhất. Nhà nước nên trân trọng, nhanh chóng tiếp nhận, giải quyết kịp thời ý kiến, phản ánh từ quần chúng nhân dân thì mới khuyến khích được sự tham gia tích cực của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. 

Từ Chỉ thị của Ban Bí thư cũng đặt ra một yêu cầu đối với Thanh tra Chính phủ về việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh tra để tăng quyền hạn mạnh mẽ hơn cho những người tham gia trực tiếp công tác thu hồi tài sản đó là thanh tra viên, kiểm toán viên có quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại hoặc chuyển dịch tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế. Đây là yêu cầu rất mới, đòi hỏi phải được bổ sung trong luật.

Có thể nói rằng, Chỉ thị số 04-CT/TW còn "đánh trúng" vào tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, không có chuyện chịu kỷ luật, tù tội một vài năm sau này vẫn có thể hưởng thụ tài sản đã chiếm đoạt được của Nhà nước. Kể cả khi về hưu cũng vẫn bị xử lý cả về con người, lẫn tài sản. Vì thế, Chỉ thị số 04-CT/TW còn có ý nghĩa như một "bản tuyên ngôn", thể hiện thái độ mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước đối với tội phạm tham nhũng, ngăn ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ tham nhũng trong một bộ phận cán bộ.

Ý Nhi