Triển vọng bứt phá kinh tế năm 2022

- Thứ Hai, 24/01/2022, 05:37 - Chia sẻ
Dự báo quá trình phục hồi kinh tế gặp không ít thách thức và nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết, nhưng có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội và tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế ngôi sao đang lên trên trường quốc tế, kinh tế năm 2022 có nhiều bứt phá.

Nhiều cơ hội phục hồi

Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, cũng là năm nước ta gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nền kinh tế đã từng bước được phục hồi, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, bức tranh kinh tế xuất hiện nhiều hơn những gam màu sáng, nhất là những tháng cuối năm... Kết quả đạt được là đáng trân trọng và là “điểm tựa” để Việt Nam bước vào chặng đường tới tốt đẹp hơn...

Gói kích thích kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng sẽ “mở toang” cánh cửa phục hồi
Nguồn: ITN

Trong bối cảnh như vậy, gói kích thích kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất “mở toang” cánh cửa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 và năm 2023 cũng như kỳ vọng hoàn thành mọi mục tiêu nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đây chính là cơ sở, nền tảng quan trọng để kinh tế năm 2022 sẽ được phục hồi, bứt phá.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ có nhiều cải thiện cả về động lực và kết quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội so với năm 2021. Với kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, khả năng chủ động sản xuất được vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm bảo đảm mục tiêu tiêm vaccine cho toàn dân, đất nước ổn định trong trạng thái bình thường mới và nền kinh tế mau chóng hồi phục. Việc hoàn thành bao phủ vaccine vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự chủ động thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ...

Quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sẽ gặp không ít thách thức, nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 có thể đạt được. Kèm theo đó là những cải thiện về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở; bảo đảm việc làm, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn... Nhờ đó, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn...

Đổi mới, thích ứng, hành động quyết liệt

Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Năm 2022 phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, kinh tế phục hồi, phát triển để nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2022.

Để tận dụng được những cơ hội mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, cần triển khai, thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn dân tiêm vaccine. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh...

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng…

Thứ ba, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư: Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI...

Thứ tư, thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, có hàm lượng tri thức, khoa học, công nghệ, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao...

Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát...

Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn, cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên, vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý khi phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá...

Thực hiện các giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho doanh nghiệp và người dân; chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động, xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương...

Thứ sáu, tăng cường triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong khi, thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn, mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường đầu tư, kinh doanh...

Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương; có cơ chế phân quyền nhằm tạo sự thuận lợi không chỉ trong nước, mà còn trên trường quốc tế...

Thứ bảy, tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại các chính quyền địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ” không thống nhất gây cản trở. Để phục hồi các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu, cần bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên, vật liệu, năng lượng...

Về xuất nhập khẩu, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi. Chú trọng công tác triển khai các hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các hiệp định thế hệ mới. Tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, chú trọng dịch vụ hậu cần (logistics)…

Đẩy mạnh lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các địa phương nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường… Tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa...

PGS.TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Nguyên Tổng Bi