Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Trí tuệ và có tầm nhìn xa

- Thứ Hai, 07/12/2020, 08:16 - Chia sẻ
Đây là nhận xét chung của các đại biểu Quốc hội khi góp ý kiến về dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nhấn mạnh, Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, đánh giá tổng quát quá trình đổi mới và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 - 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, Văn kiện Đại hội XIII có ý nghĩa chiến lược để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bài học quý báu từ công cuộc đổi mới

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII được chuẩn bị công phu, chất lượng, trách nhiệm với trí tuệ và tầm nhìn xa. Bố cục các nội dung khoa học và đánh giá đúng tình hình đất nước trong thời gian vừa qua, những thành tựu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới. Dự thảo các văn kiện cũng phân tích các nguyên nhân đạt được những thành tựu; đồng thời, nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế, tồn tại, yếu kém.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ rất xúc động khi đọc dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội bởi trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhất là về tăng trưởng, nhưng khi kiểm điểm những hạn chế, khuyết điểm thì rất nghiêm túc, câu chữ dùng rất nghiêm khắc. Ví dụ, dự thảo Báo cáo Chính trị đã thẳng thắn nhìn nhận: Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; đổi mới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt; lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao; lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn một số mặt bất cập; xây dựng Nhà nước pháp quyền có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn một số hạn chế…

Từ việc kiểm điểm nghiêm túc những tồn tại như vậy, dự thảo Báo cáo đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý báu và xác định tầm nhìn, định hướng phát triển với những quan điểm chỉ đạo rõ ràng, những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và những nhiệm vụ trọng tâm, những đột phá chiến lược… để trong thời gian tới, đất nước có sự chuyển biến mạnh mẽ. Đây là hướng đi đúng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét.

Nhất trí với 5 bài học kinh nghiệm mà dự thảo Báo cáo Chính trị đã chỉ ra, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đề nghị, cần đặc biệt quan tâm tới một số bài học sau: Thứ nhất, phải thường xuyên đổi mới công tác cán bộ và tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cách làm bài bản, dân chủ, chắc chắn và phải có bước đi phù hợp. Thứ ba, cần quán triệt xuyên suốt việc thường xuyên tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân. Đây là việc chúng ta phải thực hiện thường xuyên và phát huy vai trò của Nhân dân, thật sự dựa vào dân để xây dựng Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng cũng như sự đồng thuận trong xã hội. 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) góp ý kiến về dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV

Ảnh: Thanh Chi 

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII là xác định tầm nhìn và định hướng phát triển trong 5 - 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Dự thảo Báo cáo Chính trị xác định rõ mục tiêu: Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây không chỉ là mục tiêu mà trên hết là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc trong phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Để hiện thực hóa khát vọng này, dự thảo Báo cáo Chính trị xác định ba đột phá chiến lược về thể chế; nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Đa số các ĐBQH khi đóng góp ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười đều nhất trí với việc tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ tới và cho rằng, đây là ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng đã xác định và triển khai thực hiện nhưng vẫn có ý nghĩa, giá trị lâu dài và cần được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

 So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh những nội dung sau: Về thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Báo cáo Chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, dự thảo Báo cáo Chính trị nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên: Một là, đẩy nhanh phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhận xét, ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ XIII rất đổi mới, cập nhật. Đây là cách nhìn nhận rất sáng suốt của những người làm công tác chuẩn bị các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. "Nếu làm được như thế này thì 10 năm tới chúng ta phát triển rất tốt”, đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng.

Ở góc độ khác, một số ĐBQH cho rằng, điểm nổi bật nhất trong nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, nếu làm tốt nội dung này chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới. Bởi khi những khát vọng, niềm tin của mọi người dân được khơi dậy sẽ kết thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời gian sắp tới để đưa đất nước phát triển và thật sự sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. 

Nhật An