Ngân hàng Chính sách Xã hội

Trên những chặng đường phát triển

- Thứ Hai, 04/10/2021, 06:41 - Chia sẻ
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) từ chỗ là “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ triển khai các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, đã từng bước tham gia sâu vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện chính sách tín dụng giảm nghèo, an sinh xã hội. Đến nay, NHCSXH đã trở thành công cụ hữu hiệu thực thi các chính sách tín dụng khẩn cấp, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Hành trình từ “3 đến 18”

Chỉ sau hơn 2 tháng cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 (Quyết định 23) của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, hệ thống NHCSXH đã giải ngân được trên 442 tỷ đồng cho 830 lượt người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 125.481 người lao động tại 63 tỉnh, thành phố, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, duy trì sản xuất tạo đà phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Tín dụng chính sách đã và đang là động lực giúp người yếu thế vươn lên. Ảnh: 	Việt Hải
Tín dụng chính sách đã và đang là động lực giúp người yếu thế vươn lên.
Ảnh: Việt Hải

Đây là kết quả tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” của người đứng đầu NHCSXH Dương Quyết Thắng và toàn hệ thống khi đưa Nghị quyết số 68/NQ-CP (Nghị quyết 68) và Quyết định 23/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vào cuộc sống. Trước đó, NHCSXH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68 và Quyết định 23 theo hướng rút gọn trình tự, thủ tục, giảm điều kiện, mở rộng đối tượng… tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận chính sách.

Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, “những trái tim hồng” đã tăng thêm sức mạnh cho cả nước chống dịch và phát triển kinh tế qua công tác an sinh xã hội. Từ năm 2020 đến nay, hệ thống NHCSXH đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng. Riêng năm 2021, hỗ trợ trên 40,7 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, vaccine, nhu yếu phẩm…

Những con số trên chỉ là một phần trong hành trình 19 năm xây dựng và phát triển của NHCSXH. Từ khi mới thành lập, NHCSXH chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên với nguồn lực hạn hẹp. Sau 8 năm, số chương trình đã tăng lên 18 và phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội. Nhìn tổng thể, NHCSXH đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Chính phủ giao phó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2010, xây dựng được nền tảng vững chắc, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Những thành quả hoạt động của NHCSXH thực hiện trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân đánh giá cao và ghi nhận bằng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” thời kỳ đổi mới.

Lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bước vào giai đoạn 2011 - 2020 với những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo, đòi hỏi tín dụng chính sách phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu của Đảng đề ra là “tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân”.

Để thực thi hiệu quả, NHCSXH xác định cần phải có chiến lược phát triển dài hạn gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài khóa trung hạn. Những tâm ý này đã được gửi gắm trong Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020. Từ đây mở ra thời kỳ mới cho hoạt động của NHCSXH. Trong đó, NHCSXH tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững; góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Trên nền tảng đạt được và mục tiêu đề ra, NHCSXH tiếp tục kết nối cả hệ thống chính trị xã hội tham gia thực thi các chính sách tín dụng xã hội. Đặc biệt là việc NHCSXH tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được xem là một bước đột phá lớn.

Gánh nặng triển khai chính sách, nhất là nguồn vốn đã được sẻ chia khi “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”; “Trung ương và địa phương cùng làm”. Tính bền vững của nguồn vốn và năng lực tài chính của NHCSXH thêm mạnh khi năm 2017, lần đầu tiên NHCSXH được bố trí vốn NSNN trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với đó là việc tiếp nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, giúp tăng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 255 nghìn tỷ đồng (tính đến 1.0.2021); trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt gần 25 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng trưởng ổn định là nền tảng để NHCSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 242 nghìn tỷ đồng, với 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn.

Tiếp bước trên chặng đường mới, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thiên tai, dịch bệnh... tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, NHCSXH định hướng phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ và phát triển ổn định lâu dài. Đồng thời, duy trì vai trò là định chế tài chính công, thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ; tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần.

Việt Hải