Vun đắp trụ đỡ nông nghiệp

- Thứ Hai, 15/02/2021, 08:30 - Chia sẻ
“Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ”. Lời dạy của ông bà thêm một lần đúng khi nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua cú sốc Covid-19 và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tầm quan trọng “hai năm rõ mười” ấy thôi thúc và đòi hỏi những chính sách, chương trình hành động cụ thể nhằm vun đắp, gia cố để trụ đỡ nông nghiệp vững vàng, chắc chắn hơn.

“Hạt gạo làng ta vươn ra thế giới”

Chỉ trong một tuần đầu của năm 2021, đã có khoảng 100.000 tấn gạo được các doanh nghiệp Việt Nam xuất bán đi các thị trường. Đáng chú ý, vào ngày 3.1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới tăng thêm khoảng 7 USD/tấn, nâng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên 505 USD/tấn, mức kỷ lục trong 9 năm qua.

Đây là tín hiệu rất tích cực với ngành gạo Việt Nam, đồng thời như một sự tiếp nối kỳ tích trong năm 2020. Điệp khúc “được mùa mất giá” chấm dứt, thay vào đó tất cả các vụ lúa trong năm đều được cả giá lẫn mùa.

Theo ước tính của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, trị giá khoảng 3,07 tỷ USD. Mặc dù lượng gạo xuất khẩu năm qua giảm khoảng 3,5% so với năm 2019 nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019 và cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Có những lúc, giá gạo 5% tấm Việt Nam đã lần đầu tiên vượt qua gạo Thái Lan, vươn lên đứng đầu thế giới.

Để đạt kết quả này, ngoài yếu tố khách quan do giá thị trường thế giới tăng xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 thì việc thay đổi cơ cấu giống theo hướng nâng cao chất lượng đã giúp thị trường chấp nhận ở mức giá cao hơn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỷ trọng gạo chất lượng cao hiện chiếm trên 85% gạo xuất khẩu. Đây có lẽ là điều đáng mừng nhất trong kỳ tích xuất khẩu gạo, bởi nó hứa hẹn những thành quả bền vững trong tương lai chứ không phải chỉ mang tính thời điểm.

Như hạt gạo, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng vươn ra thế giới một cách mạnh mẽ trong “năm Covid” đầu tiên. Bất chấp dịch bệnh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 vẫn tăng 2,5% so với năm 2019, đạt khoảng 41,2 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, đồng thời duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo.

Nếu năng lực sản xuất trong nước không vững vàng, xuất khẩu nông lâm sản không thể vươn lên như vậy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, cả diện tích và sản lượng trồng trọt (lúa, rau, cây ăn quả…), chăn nuôi, thủy sản đều tăng so với năm 2019, bảo đảm đủ nguồn cung cho gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu. Kết quả năm sau tăng hơn năm trước là chuyện “bình thường”, thậm chí “tất lẽ dĩ ngẫu” trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhưng với sự xuất hiện của dịch Covid-19 thì bất cứ tăng trưởng nào dù lớn dù nhỏ đều đáng quý và chứa đựng trong đó nỗ lực của mọi chủ thể của nền nông nghiệp.

“Thế giới có khoảng 1 tỷ người thiếu đói. Một số nước công nghiệp phải cứu trợ hàng triệu người với dòng xe xếp hàng nhiều cây số. Cảnh xếp hàng chờ lương thực ở một số nước khiến chúng ta suy ngẫm, tự hào về phát triển nông nghiệp Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy trong hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp vào cuối năm ngoái. Và người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Trong khó khăn, nông nghiệp Việt Nam một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân”.

Nhiều cơn sóng dữ

Trụ muốn vững thì bản thân nó phải thật chắc. Trụ đỡ nông nghiệp liệu đã chắc chắn hay chưa?

Trả lời câu hỏi này hãy nhìn vào các chủ thể của nền nông nghiệp. Phần lớn trong số hàng chục triệu hộ nông dân chưa tiếp cận được với nền tảng tri thức để năng suất lao động cao hơn, để chất lượng nông sản đáp ứng được những thị trường thời hội nhập. Sinh viên chọn học các ngành liên quan đến nông nghiệp giảm dần, thậm chí nhiều trường có năm không đủ mở lớp. Các chương trình đào tạo kỹ năng cho lao động nông thôn chưa thực sự hiệu quả cũng là rào cản lớn trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp thiên về kinh tế và hiện đại - vốn cần nhiều hàm lượng tri thức chuyên sâu.

Bên cạnh đó, thành tích về hiệu quả, phúc lợi nông dân Việt Nam không ấn tượng như thành tích về năng suất, sản lượng và xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người. Con số này có nhỉnh hơn năm trước nhưng thấp hơn nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước (51,5 triệu đồng tại thời điểm 2019). Khoảng cách về thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp đang nới rộng.

Một mình người nông dân không đủ sức tham gia cuộc chơi nông nghiệp toàn cầu. Bàn tay của doanh nghiệp vô cùng cần thiết. Nhưng hàng nghìn doanh nghiệp nông nghiệp vẫn loay hoay với bài toán nguyên liệu và thị trường. Không chỉ vậy, họ còn đang trông đợi sự nhất quán, sáng rõ trong các chính sách - nhất là chính sách đất đai, cũng như sự đồng hành của hệ thống và sự thông hiểu của nông dân.

Áp lực cạnh tranh toàn cầu, dịch bệnh (các loại) và đặc biệt là rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu như những “cơn sóng dữ” dội vào trụ đỡ nông nghiệp. Đất nước hội nhập sâu rộng, những cơ hội lớn sẽ xuất hiện cả trên thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn cạnh tranh hiệu quả trên những thị trường này còn tùy thuộc vào khả năng của nông dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm một cách đáng tin cậy, chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm, có bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu lên nông nghiệp sẽ không chỉ phụ thuộc vào diễn biến của hiện tượng ấm lên toàn cầu mà nó còn phụ thuộc cả vào năng lực thích ứng với hoàn cảnh mới này; và điều đó lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả tốc độ biến đổi khí hậu, sự sẵn sàng về nguồn lực của khu vực tư nhân và hành động của Chính phủ.

Tất cả những thực tế đó cho thấy, dù lạc quan với thành tích và triển vọng của ngành nông nghiệp thì vẫn cần thận trọng và đi kèm với đó là cần có chính sách và chương trình hành động cụ thể, không chỉ cho bây giờ mà cả trong vài thập kỷ sắp tới, để củng cố trụ đỡ quan trọng này. Nông nghiệp Việt Nam phải tạo ra được nhiều giá trị kinh tế hơn, nhiều phúc lợi cho nông dân hơn trong khi giảm mức sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức lao động và các đầu vào khác. Tăng trưởng trong tương lai sẽ phải dựa trên nâng cao hiệu quả và đổi mới sáng tạo.

Trước mắt, những ưu tiên chính sách nên xem xét là đánh giá và thiết kế lại các chương trình đào tạo nghề nông thôn; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và gỡ bỏ các thủ tục hành chính; và giải quyết sớm vấn đề tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp giá trị cao. Trong dài hạn, nông nghiệp và nông thôn cần được tính toán trong bài toán lớn về ấm nóng toàn cầu, nước biển dâng và biến đổi khí hậu…

Không thể nói trụ đỡ là tự nhiên thành trụ đỡ, cũng không có trụ đỡ nào bền mãi với thời gian mà không có, không cần giải pháp gia cố, bồi đắp...

Hà Lan