Vận hội mới nơi Thủ đô kháng chiến

- Chủ Nhật, 14/02/2021, 08:20 - Chia sẻ
“Ới la, bản noọng tón vằn xuân mùa mấu/ Vui đảy mùa bắp khẩu têm sang...” (Bản em đón ngày xuân mùa mới/ Vui được mùa ngô lúa đầy sàn…). Tiếng đàn tính ngân nga và điệu then trong trẻo vang lên nơi miền sơn cước như xua tan cái lạnh đương ngọt của mùa đông. Bên mái nhà sàn truyền thống, những cây đào, cây mận, cây mơ đang bung nụ khoe lộc. Không gian làng bản thanh bình, tiếng đàn hòa cùng làn điệu dân ca như cùng nhau cầu chúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ và chắp thêm niềm tin, sự phấn khởi cho vùng đất cách mạng Tuyên Quang vững bước đón chào thập niên mới với thời cơ và vận hội mới.

Ký ức nơi “trái tim” cách mạng

Những ngày cuối năm, hòa trong dòng người tấp nập về với Khu di tích Tân Trào, chúng tôi đặc biệt chú ý đến một cụ ông tóc đã điểm màu sương khói. Đứng trước cây đa, ông trầm ngâm kể cho hai cô cậu nhỏ tuổi về vùng đất Tuyên Quang thủy chung son sắt, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam, gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Nơi đây cũng là khởi nguồn những quyết sách quan trọng của Người và Trung ương Đảng ta, quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Tân Trào từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ để các thế hệ đi trước giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ cháu con. Câu chuyện của ông cụ tóc trắng phau với hai cháu nhỏ mang trong mình một nửa dòng máu Việt bỗng trở nên thiêng liêng, xúc động lạ kỳ.

Mang câu chuyện dưới gốc đa Tân Trào, chúng tôi đến với gia đình ông Hoàng Trung Ngọc - một trong những người may mắn của vùng đất này được gặp Bác Hồ. Theo hồi ức của ông, khi Bác Hồ từ Pác Bó về làng Tân Lập, mới chỉ là cậu bé 10 tuổi nhưng hình ảnh của Bác vẫn còn in đậm trong ông… “Sống trong những ngày vinh quang nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam, đặc biệt được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, tôi chỉ mong sao con cháu biết trân trọng quá khứ để xây dựng vùng đất Tuyên Quang xứng danh với truyền thống mà ông cha hun đúc, cụ Ké và Đảng ta đã kỳ vọng”, khẽ vuốt chòm râu bạc ông căn dặn chúng tôi trước khi chia tay.

Rời nhà ông Ngọc, lặng ngắm dòng sông Phó Đáy huyền thoại uốn khúc, bên tai tôi vẫn nghe văng vẳng những câu thơ trong bài Đại hội Tân Trào do ông Ngọc ngâm nga: "Ba loạt súng vang rừng dội thác/ Chào Ủy ban giải phóng mới bầu xong/ Cây đa to bóng che nửa cánh đồng/ Hồ Chủ tịch bộ áo chàm phai nắng/ Cũng dào dạt muôn vàn lá sáng/ Lắng nghe từng đại biểu ở xa về…". Thấm thoát đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, tiếng súng rền vang vẫn như dội vào núi rừng nơi đây.

Đặc biệt, đối với vùng đất Tân Trào, nhớ lời Bác căn dặn tại Đại hội Quốc dân Tân Trào ngày 16.8.1945: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này”, nhiều năm qua Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo nâng cao mức sống và thu nhập, khơi dậy tinh thần làm chủ trong mỗi người dân… Chủ tịch UBND xã Tân Trào Hoàng Cao Khải chia sẻ: xã có nhiều đổi thay trong phát triển kinh tế, hình thành nhiều mô hình kinh tế có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên. Trên địa bàn 100% thôn đã có nhà văn hóa đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%, đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

Chia tay Tân Trào, xuôi theo dòng sông Phó Đáy, qua Kiến Thiết, đèo Nàng, chúng tôi đến khu rừng Nà Loáng (thôn Bó Củng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa). May mắn thay trong chuyến đi lần này, chúng tôi lại gặp được ông Nguyễn Văn Điệp (con trai cụ Nguyễn Xương Thành) năm nay đã 83 tuổi nhưng ông vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Bác Hồ. “Khi Bác đến, ngôi nhà của gia đình được xây bằng phên nứa. Sau đó, bố tôi đã sửa lại, ngăn ra một gian để Bác ở. Bố tôi dặn đường và trứng để dành phần Bác nhưng Bác quả quyết phải chia cho mọi người cùng ăn. Tôi chỉ nghe bố mình nói đó là ông cụ đi làm cách mạng. Mãi sau này, cụ rời đi, tôi mới biết đó chính là Bác Hồ”, ông Điệp bồi hồi kể lại.

Những câu chuyện về Bác trong những ngày cuối năm khiến chúng tôi rưng rưng. Người tuy đã đi xa nhưng trên mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống cách mạng vẫn khắc ghi hình bóng vị cha già dân tộc và nguyện ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đơn cử như ở Kim Bình, nhiều năm nay, xã không ngừng cụ thể hóa quyết tâm xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh; nhiều cán bộ xã đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Điển hình như Bí thư Đoàn xã Đặng Văn Thịnh - người tiên phong trồng cây bưởi, cây chanh tứ mùa rồi vận động đoàn viên, thanh niên trong xã làm theo. Hiện, gia đình anh có hơn 400 gốc bưởi, chanh, mỗi năm ước cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. “Toàn xã hiện có 16 mô hình, với gần 500ha trồng cây ăn quả do đoàn viên thanh niên làm chủ. Chúng tôi học và làm theo Bác về xây dựng Đảng phải bắt đầu từ mỗi lời nói, hành động của cán bộ, đảng viên”, anh Thịnh chia sẻ.

Khơi dậy niềm tự hào, đón đầu vận hội mới

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tiếp xúc cử tri xã Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm tiếp xúc cử tri xã Côn Lôn, huyện Na Hang, Tuyên Quang

Sau những ngày rong ruổi trên những làng quê cách mạng, chúng tôi càng cảm nhận rõ nét hơn về nghĩa Ðảng, tình dân vẫn vẹn nguyên sau hơn nửa thế kỷ. Trên chuyến xe trở về thành phố Tuyên Quang, chúng tôi dừng chân bên cây cầu Tình Húc - cây cầu đẹp bậc nhất bắc qua dòng sông Lô lịch sử. Phóng tầm mắt ra xa, nhiều người đã lâu không về với Tuyên Quang sẽ thốt lên rằng: Tuyên Quang đổi thay nhiều quá! Quả thực, vùng đất cách mạng này đã và đang chuyển động từng ngày, từng giờ nhờ các Nghị quyết “đúng, trúng”.

Khép lại năm 2020, một năm đầy khó khăn thách thức, nhất là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 song bằng nỗ lực vượt bậc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm đều đạt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu tăng cao so với năm 2019. Cụ thể, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 7,16% so với năm 2019; thu NSNN 2.309 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,02%; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố... Đặc biệt, thành công của đại hội Đảng các cấp trên địa bàn đã góp phần khơi dậy niềm tự hào, tạo khí thế phấn khởi, tự tin để xây dựng quê hương Tuyên Quang ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm chia sẻ: Tuyên Quang vẫn còn nhiều khó khăn, tốc độ và trình độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn; một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, văn hóa chất lượng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu…

Trước thực tế đó, người đứng đầu Tỉnh ủy nhấn mạnh: bước sang năm 2021, tỉnh vẫn sẽ ưu tiên thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực, công nghệ thông tin; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ. Đồng thời, tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng cao; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bảo đảm an sinh xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động tích cực hội nhập quốc tế… “Các cấp ủy Đảng, chính quyền, mỗi ngành, mỗi địa phương cần năng động, sáng tạo hơn nữa để có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, các đề án, dự án… phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025”, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh.

Chia tay xứ Tuyên, trên chuyến xe muộn về lại thủ đô trong lòng mỗi chúng tôi vẫn đầy ắp hình ảnh cây đa, mái đình Hồng Thái, đình Tân Trào, lán Nà Lừa - đầy ắp hình ảnh về người cha già của dân tộc: “Mười lăm năm ấy ai quên/ Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”.

Bách Hợp