Mai Châu - Bản làng ngập tràn hương vị Tết

- Thứ Sáu, 12/02/2021, 07:25 - Chia sẻ
Khi những vạt hoa đào, hoa mận nở rộ cũng là lúc một mùa xuân mới đang đến rất gần. Xuân này, hương vị Tết ấm no, đủ đầy đang lan tỏa khắp các bản làng ở huyện Mai Châu, Hòa Bình, trong niềm hạnh phúc ngập tràn của người dân.

Người Mông ơn Đảng

Vượt hơn 100km đường đèo quanh co, chúng tôi đến với đồng bào dân tộc Mông ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu đúng vào thời điểm đồng bào dân tộc Mông đang chuẩn bị đón Tết. Những ngày này, người Mông thường thức dậy từ rất sớm, cùng nhau chuẩn bị gói bánh, xay thóc, tẽ ngô, sửa sang, trang hoàng lại nhà cửa với ảnh Bác Hồ và những lá cờ đỏ sao vàng trước cửa nhà. Khắp bản làng, đâu đâu cũng rộn rã tiếng nói cười trong không khí ngày xuân ấm áp tình người.

Men theo con đường bê tông từ trung tâm xã Hang Kia, chúng tôi ghé thăm một số gia đình ở bản Thung Mài. Thời điểm này, bà con đang tất bật chuẩn bị đón Tết. Gia đình anh Khà A Ký đã mua đầy đủ thực phẩm và sắm xong quần áo mới cho lũ trẻ, công việc còn lại là sửa soạn gói bánh và trang hoàng nhà cửa. Trò chuyện với chúng tôi, anh Ký không giấu nổi niềm vui vì năm nay đã sắm được một chiếc tivi mới để cả gia đình quây quần xem pháo hoa và nghe Chủ tịch Nước chúc Tết lúc giao thừa.

Gầu Tào là lễ hội cầu phúc, cầu mệnh của đồng bào dân tộc Mông, cũng là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc lớn nhất trong năm mỗi khi Tết đến đối với người Mông ở Mai Châu nói riêng

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng ấy, những đôi mắt trong veo của các con anh Ký cùng lũ trẻ hàng xóm đang say sưa với các chương trình thiếu nhi vui nhộn. Anh Ký xúc động chia sẻ: “Mấy năm nay, bản Thung Mài được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa điện về, được đầu tư đường sá, trường học và hỗ trợ thay đổi phương thức canh tác nên đời sống người dân chúng tôi ngày càng được cải thiện. Nhờ đó, năm nay thu nhập của gia đình tôi và nhiều gia đình khác tăng lên, mọi người có tiền để sắm tết đủ đầy và mua quần áo mới cho các con. Bà con nơi đây phấn khởi, ơn Đảng, ơn Nhà nước rất nhiều".

Cũng giống như gia đình anh Ký, Tết này sẽ là một cái Tết đáng nhớ đối với gia đình ông Vàng A Dế, bởi gia đình ông vừa hoàn thiện căn nhà mới rộng rãi, khang trang. Năm nay, gác bếp nhà ông Dế có nhiều hơn những xâu thịt lợn, những bao tải gạo, số lượng lá chuẩn bị gói bánh chưng cũng nhiều hơn hẳn. Ông Dế chia sẻ: “Có căn nhà khang trang để đón tết là điều gia đình tôi đã mong ước từ lâu. Đây cũng là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Riêng năm 2020, từ tiền công đi làm thợ xây, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi đã mang về cho gia đình tôi mức thu nhập trên 50 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi không chỉ thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã mà còn có của ăn, của để. Giờ là thời điểm cả gia đình đang háo hức chờ đợi giây phút sum họp dịp cuối năm cùng con cháu".

Ghé thăm một vài gia đình nhưng chúng tôi có thể cảm nhận được hương vị Tết đủ đầy, no ấm đang lan tỏa khắp các bản làng. Nhà nào cũng ngô lúa đầy bồ, gà vịt đầy chuồng, vật dụng trong nhà ngày càng hiện đại. Trong câu chuyện với đầy hoài niệm cũ, già làng Sùng A Lứ (xã Pà Cò) kể với chúng tôi rằng, ngày trước đồng bào Mông nơi đây sống cuộc sống du canh, du cư. Người ta đi hết quả đồi này đến quả đồi khác để đốt nương, làm rẫy, có khi chùn chân, mỏi gối mà vẫn không đủ ăn. Nay, cuộc sống thực sự đã đổi thay nhờ những chính sách của Đảng, của Nhà nước hỗ trợ và hướng dẫn đồng bào cách trồng trọt, chăn nuôi để ổn định cuộc sống nơi thung lũng vốn hoang sơ này.

“Không có Đảng thì cái nghèo đói, lạc hậu, cổ hủ vẫn như đám mây đen quấn lấy người Pà Cò, mờ mịt như núi Sài Lĩnh bị mây phủ quanh năm. Cuộc sống của hàng trăm người dân vẫn lầm lũi như bóng núi, bóng cây. Đôi chân người Mông vẫn đạp lên đá tai mèo, vẫn phải ngồi trên lưng ngựa mà đi, làm gì có đường to, nhà rộng, xe đẹp, trường học lớn, có bác sĩ về tận nơi chăm sóc sức khỏe như bây giờ. Người Mông ơn Đảng, ơn Bác Hồ suốt đời” - ông Lứ xúc động nói.

Thay đổi phương thức hỗ trợ để giảm nghèo hiệu quả

Với đặc thù của huyện vùng cao, có trên 88% là người đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mai Châu luôn xác định phải triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, giúp đồng bào từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Chính vì vậy, giống như người Mông ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giờ đây đã thực sự đổi khác. Đời sống người dân ngày một no đủ, văn minh, hiện đại hơn.

Chủ tịch UBND xã Nà Phòn Hà Văn Ngân chia sẻ, cũng giống như các xã miền núi khác, Nà Phòn cũng được thụ hưởng rất nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước. Trong năm 2020, Chương trình 135 đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho người dân đi lại phát triển sản xuất và 245 triệu đồng để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 9,4%, thu nhập bình quân đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm. Đây là bước ngoặt trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 của xã.

“Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, huyện mà cuộc sống của người đồng bào dân tộc xã Nà Phòn đã ổn định hơn. Nhiều gia đình được hỗ trợ làm nhà ở, giống, phân bón để phát triển sản xuất; hỗ trợ trâu, bò để chăn nuôi. Từ đó, góp phần củng cố, thắp sáng thêm niềm tin của đồng bào vào các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn” - ông Ngân phấn khởi cho biết.

Theo Bí thư Huyện ủy Mai Châu Hà Văn Di, để các chương trình, hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, trở thành động lực, tiếp sức cho các xã nghèo vượt khó, những năm qua, huyện đã phân công cho từng cán bộ, đảng viên tại mỗi xã phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Qua đó, vừa nắm tình hình thực tế tại địa bàn, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, vừa kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, cán bộ chuyên môn của huyện cũng xuống từng bản, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị. Nhờ đó, giúp bà con thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm, yên tâm phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.

Trong những ngày cận Tết, một số cán bộ huyện, xã và các nhà tài trợ đều đến thăm hỏi, tặng quà để chia sẻ khó khăn với đồng bào. Bí thư Huyện ủy Mai Châu Hà Văn Di chia sẻ: Tuy được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nhưng đời sống đồng bào huyện Mai Châu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, huyện đang tiếp tục quan tâm, chăm lo để đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn huyện ngày càng có cuộc sống ổn định hơn. Mặt khác, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 65 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,8% trở lên, Bí thư Huyện ủy khẳng định: “Sắp tới, huyện sẽ thay đổi hình thức hỗ trợ, nhất là đối với hộ nghèo, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác giảm nghèo tại địa phương. Theo đó, không chỉ hỗ trợ hộ nghèo, mà còn hỗ trợ nhóm hộ trong cùng xóm, cùng bản để những hộ không nghèo có điều kiện phát triển kinh tế. Sau đó, những hộ này sẽ hỗ trợ trở lại các hộ nghèo hơn trong nhóm, như vậy sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Đặc biệt, huyện sẽ nhân rộng các mô hình làm kinh tế giỏi, đây được coi là những “đầu tàu” kinh tế để giúp các hộ vươn lên làm giàu”.

Mùa xuân này, đồng bào các dân tộc ở Mai Châu đã ấm no và đầy đủ hơn. Thành quả hiện có là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây tiếp tục hiện thực hóa quyết tâm xây dựng huyện vùng cao này giàu đẹp, năng động hơn trong tương lai.

Ghi chép của TRẦN TÂM