Kinh tế tập thể Tuyên Quang vượt khó

- Thứ Hai, 31/01/2022, 07:27 - Chia sẻ
2 năm qua, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Suốt thời gian qua, cầm cự một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo vẫn là câu chuyện đáng bàn nhất với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách tư duy, cách làm của Hợp tác xã Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) là một mô hình đáng được chia sẻ như thế…

Chuẩn bị từ sớm, từ xa

Anh Nguyễn Ngọc Sáng ở thôn Đông Thịnh, xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang) cùng gia đình có nghề chăn nuôi lợn và chế biến các sản phẩm từ thịt lợn từ xưa. Nhưng dù chắt chiu và tích lũy kinh nghiệm, anh cũng chỉ đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc với quy mô trên dưới 100 con. Vì vậy sau cơn bão giá, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi liên tiếp trong các năm 2014-2017, trang trại của anh kiệt quệ, mọi thứ gần như trở lại với con số 0 tròn trĩnh…

Các trang trại lợn của HTX Sáng Nhung đang cho thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động
Các trang trại lợn của HTX Sáng Nhung đang cho thu nhập ổn định cho xã viên và người lao động

Thời điểm đó, để ứng phó lâu dài và chắc chắn, anh Sáng tìm nguồn thức ăn thay thế bằng việc đầu tư máy nghiền để tận dụng sản phẩm nông nghiệp địa phương tại chỗ phối trộn làm cám chăn nuôi từ lúa, ngô, đỗ, dầu cá và một phần nhỏ cám vi lượng nghiền thành cám pha theo công thức riêng của từng độ tuổi của lợn. Và sản phẩm cám này đã thay thế hiệu quả khi giảm 5-10% chi phí so với mua cám công nghiệp. Chính biện pháp này đã giúp trang trại lãi 1 nghìn đồng/kg lợn hơi ngay cả khi lợn hơi xuống tới 30.000 đồng/kg, tạm vượt qua đợt “khủng hoảng” giá.

Cũng cần phải nói sau năm 2017, nhiều chủ trang trại lợn trên địa bàn xã Đông Thọ, đã đồng tâm ngồi lại, bắt tay nhau và đặt ra câu chuyện từng bước liên kết để tự chủ đầu vào, giảm giá thành. Mục tiêu cao nhất lúc đó chỉ đơn giản là ứng phó chủ động hơn với những biến động của thị trường. Và nguồn thức ăn thay thế chính là "vũ khí bí mật" được đưa ra, với một yêu cầu phải được cải tiến ở cấp độ cao hơn, kỹ lưỡng, hiệu quả hơn. Đàn lợn cũng nhờ đó tăng dần từ trên dưới 100 con năm 2014, lên 2.000 vào năm 2020, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm, tạo công việc ổn định cho gần 20 nhân công.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Thuấn, khi nhận được thông tin từ Phòng nông nghiệp huyện Sơn Dương và UBND xã Đông Thọ về trường hợp của trang trại anh Nguyễn Ngọc Sáng, Chi cục đã xuống tận nơi tiếp cận. Nhận thấy quyết tâm và nội lực của trang trại lợn Sáng Nhung cũng như những người chăn nuôi ở xã Đông Thọ, Chi cục đã giúp đưa anh Sáng đi tham quan, học hỏi các mô hình tổ hợp tác, kinh tế tập thể ở nhiều vùng miền trong khắp cả nước, đồng thời được cập nhật thêm nhiều kiến thức trong quản trị, sản xuất kinh doanh.

“Sau một thời gian chăn nuôi, mình nhận thấy việc phát triển chăn nuôi lợn quy mô trang trại còn nhiều hạn chế, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chưa liên kết được để cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra trong chăn nuôi, hiệu quả chưa cao,” anh Sáng cho biết. Bởi vậy, năm 2018 anh đã vận động các hộ gia đình chăn nuôi lợn thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung với hoạt động, dịch vụ chủ yếu là chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm; chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; giới thiệu và bán các mặt hàng nông sản đặc trưng, đặc sản của tỉnh Tuyên Quang và các vùng miền…

Áp lực mới, sáng tạo mới

Cú sốc năm 2014-2017 khiến vốn liếng bay sạch đã giúp Giám đốc Sáng “căn chỉnh” lại chiến lược của mình mô hình hợp tác xã vừa thành lập. Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Sơn Dương, các xã viên tiếp tục mày mò phối trộn loại cám từng phát huy hiệu quả giai đoạn 2017, để đến năm 2020, sự tự chủ đã giúp hợp tác xã tiết kiệm được tới 20-25% chi phí so với thức ăn công nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND xã Đông Thọ Âu Văn Tám, chính tinh thần khởi nghiệp luôn cháy bỏng của anh Sáng đã thôi thúc các xã viên sớm thay đổi nhận thức. Họ không mất nhiều thời gian để bầu anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung.

Chuồng trại đều được kiểm soát bởi hệ thống camera trung tâm
Chuồng trại đều được kiểm soát bởi hệ thống camera trung tâm

“Lợn của hợp tác xã được nuôi khép kín đạt chuẩn VietGAHP, quy trình chăn nuôi luôn bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các khâu sản xuất đều được kiểm soát và truy xuất bảo đảm an toàn từ nguồn thức ăn, nước uống, người ra vào trại, vận chuyển hàng, xuất bán lợn...,” ông Tám chia sẻ. Lợn được chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt tiêu chuẩn 3F quốc tế tiên tiến nhất được áp dụng trong ngành chăn nuôi hiện nay. Đó là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản “Feed – Farm – Food”.

Trong đó, Feed là thức ăn chăn nuôi được đảm bảo đầy đủ các yếu tố về cân đối dinh dưỡng cho từng giai đoạn phát triển của vật nuôi và tuân thủ nguyên tắc giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua chất thải. Farm là trang trại chăn nuôi phát triển theo quy mô công nghiệp. Food là sản phẩm chăn nuôi được quản lý nguồn gốc nghiêm ngặt, hoàn toàn cam kết không dùng chất tạo nạc hay bất kỳ hóa chất nào nằm trong danh mục chất cấm của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Sản phẩm thịt lợn sạch Sáng Nhung đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu năm 2020. Cùng lúc đó, hợp tác xã cũng được ngành nông nghiệp Tuyên Quang đưa vào danh mục những tổ kinh tế tập thể nhận được sự hỗ trợ đặc biệt.

Không thỏa mãn với thành công hiện tại

Sự hỗ trợ kịp thời của ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã trở thành nguồn động viên lớn lao với hợp tác xã. Từ đầu năm 2021, hợp tác xã được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn gần 10 tỷ đồng để tổ chức lại thật bài bản một khu chăn nuôi mới với quy chuẩn vô cùng nghiêm ngặt. Bởi vậy, dù có hẹn trước nhưng khi đến gặp anh Sáng một ngày sát Tết Nhâm Dần, chúng tôi vẫn không được vào khu chăn nuôi vì lý do tiêu độc, khử trùng, ngăn chặn dịch bệnh. Anh Sáng bảo, dịch bệnh với ngành chăn nuôi là thứ "thuốc độc" ghê gớm nhất, nếu sơ sẩy có thể lỗ ngay tiền tỷ chỉ trong vài ngày. Tất cả được giới thiệu qua hệ thống camera trung tâm, giám sát toàn diện hoạt động của các khu trại…

Từ đầu năm 2021, sau một lần đi thực tế tại miền Trung, các xã viên đã quyết nghị đưa thảo dược vào phối trộn thức ăn chăn nuôi lợn. Con lợn được nuôi dưỡng từ nguồn thức ăn chất lượng cao và được phối trộn với một số thảo dược từ thiên nhiên như đinh lăng, cỏ nhọ nồi, cát sâm, quế, hồi, cà gai leo, kim ngân, hành, tỏi… đã tạo nên đặc trưng của sản phẩm thịt lợn thảo dược rất săn chắc, thơm ngon và rất bổ dưỡng. Tham quan… qua camera khu chuồng trại nuôi lợn thương phẩm bằng thảo dược mới cảm nhận được sự thay đổi "ngoạn ngục" từ chăn nuôi thông thường sang chăn nuôi an toàn sinh học.

Sản phẩm từ thịt lợn thảo dược được khách hàng nồng nhiệt đón nhận
Sản phẩm từ thịt lợn thảo dược được khách hàng nồng nhiệt đón nhận

Sau 4 năm thành lập, quy mô chăn nuôi của Sáng Nhung không chỉ trong tốp đầu của tỉnh Tuyên Quang mà còn đi đầu áp dụng nuôi lợn thịt bằng thức ăn thảo dược. Từ mô hình chăn nuôi khép kín hợp tác xã đã từng bước xây dựng thành chuỗi đạt tiêu chuẩn cung cấp sản phẩm thịt lợn thảo dược ra thị trường, nhằm đem đến cho người tiêu dùng thịt lợn chất lượng cao với cam kết "sạch từ trang trại đến bàn ăn". Trước đây, tổ hợp tác Sáng Nhung chỉ tập trung vào chăn nuôi và bán lợn thương phẩm ra thị trường, hầu hết sản lượng thịt đều được bán ra ngoài tỉnh nên người dân trong tỉnh gần như không được tiếp cận được sản phẩm đặc trưng của hợp tác xã.

Trăn trở với việc làm sao để người tiêu dùng trong tỉnh được tiếp cận với nguồn thực phẩm bổ dưỡng từ thịt lợn thảo dược, anh Sáng đã bàn với các thành viên trong hợp tác xã và nghị quyết mở rộng quy mô hoạt động sang lĩnh vực chế biến. Tháng 12.2021, hợp tác xã đã triển khai thực hiện chế biến thịt lợn và đầu tư dây chuyền chế biến thực phẩm, sản xuất giò, chả, xúc xích, lạp xưởng… để cung ứng ra thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, trong thời gian tới Sáng Nhung sẽ tập trung đẩy mạnh và phát triển thương hiệu sản phẩm thịt lợn thảo dược, nâng cao sức mạnh cộng đồng trong đó sẽ tập trung thực hiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm đạt theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP và tham gia đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP vào năm 2022 góp phần thực hiện tốt Chương trình trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nam Anh