Khởi nghiệp để gặt hái thành công

- Thứ Bảy, 29/01/2022, 11:28 - Chia sẻ
Theo nhận định của các chuyên gia, để hiện thực hoá các ý tưởng khởi nghiệp cần sự liên kết giữa nhà nước, startup, doanh nghiệp... nhằm tăng cường thực nghiệm, tiếp cận vốn dễ dàng và dần hình thành chuỗi giá trị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (TECHFEST và WHISE 2021)

Nhận định về cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, cũng như giải pháp thúc đẩy cấp dịch vụ đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nêu thực tế: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trực tiếp là các doanh nghiệp. Khi đó các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn lực từ quốc tế, hạn chế tương tác và trao đổi kinh doanh... Khó khăn này tạo áp lực nhưng cũng là cơ hội cho ứng dụng khoa học, công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

“Ở Việt Nam số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tín hiệu khả quan nhưng tỷ lệ tương xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp này chưa có liên kết, hợp tác theo chiều sâu để các ý tưởng có thể tham gia vào giải bài toán của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các cơ quan nhà nước cần là người đặt hàng cho đội ngũ khởi nghiệp”, ông Tùng nhận xét.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp này, các chuyên gia cho rằng, sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn, chuyên gia, nhà khoa học,… là không thể thiếu. Họ đóng vai trò là "đầu tàu" dẫn dắt cho những startup non trẻ. Điều các nhà khởi nghiệp trẻ thiếu nhất là kinh nghiệm, vốn và môi trường thực nghiệm. Vì vậy, để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tồn tại và thành công trong tương lai cần tạo điều kiện để họ tiếp cận nguồn vốn, có cơ hội thực nghiệm tại các vườn ươm,… Mặt khác Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp lớn cần đặt niềm tin vào những startup trẻ, tạo cho họ cơ hội trong liên kết hợp tác, hoàn thiện và thương mại háo các sản phẩm... Khi có sự liên kết mới hình thành chuỗi giá trị và giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trưởng thành và phát triển, tạo giá trị lớn hơn cho cộng đồng. Đặc biệt biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

“Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 có điểm sáng là sức sống của doanh nghiệp và tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân. Phải luôn gắn kết với mục tiêu phát triển của quốc gia, xây dựng doanh nghiệp vững và mạnh, góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng. Bên cạnh đó, cần liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh bền vững văn minh hội nhập và ngang tầm thế giới. Chung tay đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045. Đây là mục tiêu cũng là khát vọng của người dân Việt Nam”, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ..

Chia sẻ Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp từ Thuỵ Sĩ, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber nhận định, những năm qua quá trình hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Thuỵ Sĩ là nơi hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp cũng như cá nhân khởi nghiệp. Nền kinh tế phát triển nhanh và môi trường pháp lý phát triển ổn định tạo thành môi trường tốt cho khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, Chính phủ cần tạo nên hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp tham gia vào khởi nghiệp.

“Bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp trong các tổ chức giáo dục. Tại Thuỵ Sĩ, Viện Công nghệ Thuỵ Sĩ chính là nơi thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo trong môi trường giáo dục”, ông Ivo Sieber cho biết.

Đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) thường trú Việt Nam Caitlin Wiesen đánh giá, năm 2021, GDP của Việt Nam tăng 2,58%. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới làm được như vậy, nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đã để lại những tác động lâu dài đến nền kinh tế và rộng hơn là xã hội. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là các công ty khởi nghiệp tạo tác động do thanh niên lãnh đạo. Có khoảng 92% doanh nhân trẻ ở châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Tại Việt Nam, hầu hết các công ty khởi nghiệp tạo tác động do thanh niên lãnh đạo đều không chuẩn bị cho những biến động mạnh của thị trường, 62% phải vật lộn với tình trạng đình trệ sản xuất và sụt giảm khách hàng do dịch bệnh. Tuy nhiên, bất chấp bối cảnh ngày càng khó khăn của dịch Covid-19, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam vẫn có các hoạt động lớn để hỗ trợ hiệu quả các cá nhân, công ty khởi nghiệp do thanh niên lãnh đạo.

Đánh giá về những thành quả đã đạt được, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH và CN) Phạm Hồng Quất nhận định, thông qua nhiều đề án đổi mới sáng tạo tiếp thu mô hình vườn ươm của quốc tế, đề án đổi mới sáng tạo nâng cấp mà mở màn là đề án 844 với từ “hệ sinh thái” chính thức xuất hiện từ năm 2016 đã tạo đột phá trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Theo đó, đề án 844 nhằm vào  sự tương tác của các chủ thể khi hỗ trợ startup, tạo ra hiệu quả là hơn 3.000 startup đổi mới sáng tạo theo mô hình mới. Việt Nam đã có hơn 200 quỹ đầu tư, hơn 100 tổ chức về thúc đẩy kinh doanh, hơn 130 trường đại học, cao đẳng có không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tạo ra bức tranh khá đầy đủ cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, gấp hơn nhiều lần so với cách đây 5 năm. Riêng năm 2021, đã có hơn 1,5 tỷ USD gọi vốn vào các starup của Việt Nam trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt dịch vụ công nghệ.

“Năm 2021 hệ số các thành phố lớn của Việt Nam tăng hạng, hệ số của Việt Nam tăng hạng. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái TP Hồ Chí Minh tăng 46 bậc, xếp vị trí 179, Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Điều này cũng cho thấy hệ số đổi mới sáng tạo đang tập trung cao ở các thành phố lớn, nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, nơi tập trung các nguồn lực nhân lực, vốn… ”, ông Quất nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở chính là sự cởi mở tư duy về cách thúc đẩy các sản phẩm sáng tạo có ích cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Đây là cơ hội các viện trường, startup coi tập đoàn, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chính của mình. Các tập đoàn, doanh nghiệp mở hệ sinh thái, không chỉ dựa vào nguồn lực bên trong mà còn sử dụng trí tuệ bên ngoài để phát triển sản phẩm.

Chị Nguyễn Phương Thanh Trúc, đại diện dự án Cyberpurify - Kiến tạo Internet an toàn hơn cho trẻ em, quán quân của Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp Quốc gia 2021 bộc bạch, các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn là những người trẻ. Họ chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu khả năng thuyết phục các nhà đầu tư. Đặc biệt là “khát vốn” vì khó tiếp cận các quỹ đầu tư. Vì vậy, họ cần cơ chế đặc thù để dễ dàng tháo gỡ khó khăn về vốn, tạo điều kiện thuận lợi biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực.

Đồng tình với các quan điểm đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ mong muốn, ngoài sự giúp sức của Chính phủ, các chuyên gia, cố vấn, các doanh nhân sẽ là người giúp các nhà khởi nghiệp thắp lửa và giữ lửa, truyền cảm hứng, kinh nghiệm, hỗ trợ tài chính, quản trị, thị trường để các dự án khởi nghiệp thành công. Đó chính là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm dân tộc của doanh nhân. VCCI sẽ sát cánh cùng tất cả các doanh nghiệp, vì sự phát triển của nền kinh tế Việt và cộng đồng doanh nhân Việt.

Đức Hiệp