Tín dụng chính sách - Lối mở thoát nghèo tại Thừa Thiên Huế

Trách nhiệm và tâm huyết

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 06:00 - Chia sẻ

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 21,17% giai đoạn 2005 - 2010 xuống còn 2,99% vào năm 2021; và theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 4,93%... Kết quả này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp Thừa Thiên Huế mà còn cho thấy trách nhiệm và tâm huyết của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, với tư cách là “nhà đầu tư chiến lược” của người yếu thế.

Chủ động nguồn lực

Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và NHCSXH tỉnh đã đạt được những mục tiêu đặt ra; đó là tập trung nguồn lực, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Ảnh bài 1: NHCSXH Thừa Thiên Huế luôn chủ động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu người nghèo. Ảnh: T. Huế
NHCSXH Thừa Thiên Huế luôn chủ động nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu người nghèo. Ảnh: T. Huế

Khi mới thành lập NHCSXH tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách được tạo lập từ nguồn vốn nhận bàn giao số tiền 236,1 tỷ đồng, trong đó, 97,59% là nguồn vốn cân đối từ Trung ương. Sau 20 năm hoạt động, đến nay, nguồn vốn tín dụng đạt 3.633 tỷ đồng, tăng 3.396,9 tỷ đồng, bằng 15,39 lần so với khi mới thành lập. Cụ thể, nguồn vốn Trung ương chuyển về là 2.885,6 tỷ đồng, tăng 2.661 tỷ đồng, tăng 12,85 lần so với khi mới thành lập, chiếm tỷ lệ 79,43% tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn huy động từ tiền gửi của các thành viên tiết kiệm và vay vốn và nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân là 579,5 tỷ đồng, tăng 576,7 tỷ đồng, tăng 207,3 lần so với khi mới thành lập, chiếm tỷ lệ 15,95% tổng nguồn vốn. Bao gồm, nguồn vốn huy động tiền gửi qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt 314,7 tỷ đồng; nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân đạt 264,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm dành 160,7 tỷ đồng, ủy thác sang NHCSXH tỉnh để cho vay. Như vậy, so với thời điểm mới thành lập, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương tăng 152,2 tỷ đồng, tăng 18,85 lần và chiếm tỷ lệ 4,42% tổng nguồn vốn. Trong đó, ngân sách tỉnh là 103,8 tỷ đồng, tăng 95,3 tỷ đồng so với khi mới thành lập; ngân sách cấp huyện là 56,9 tỷ đồng (khi mới thành lập chưa có nguồn vốn này). Bên cạnh đó, nguồn vốn ủy thác đầu tư của các tổ chức, cá nhân; vốn tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước cũng có mức tăng trưởng đều qua các năm. Hiện đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 6,8 tỷ đồng so với khi mới thành lập, chiếm tỷ lệ 0,2% tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn trên cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là đáp ứng 100% nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ cho chăn nuôi, buôn bán, sản xuất kinh doanh, tạo việc làm...

Những "cánh tay nối dài" đưa vốn đi xa

Nhân lực mỏng, địa bàn rộng nhưng với phương thức hoạt động đặc thù, riêng có của ngành, sự sáng tạo của mỗi cán bộ tín dụng, NHCSXH Thừa Thiên Huế đã tạo lập được mạng lưới hoạt động rộng khắp tới tận thôn, bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể. Do đó, bất cứ khi nào, bất cứ ở đâu, khi người nghèo cần vốn, bà con sẽ được đáp ứng kịp thời.

Đến nay, tại Chi nhánh NHCSXH Thừa Thiên Huế, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang tham gia quản lý 3.612,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh, với 89.272 hộ vay vốn sinh hoạt tại 2.340 Tổ Tiết kiệm và vay vốn; nợ quá hạn là 1,5 tỷ đồng, tỷ lệ 0,04% so với dư nợ nhận ủy thác. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 2.038,6 tỷ đồng, chiếm 56,44% tổng dư nợ ủy thác, với 1.263 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và 50.565 hộ đang còn dư nợ; Hội Nông dân quản lý 1.022,3 tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng dư nợ ủy thác, với 694 Tổ Tiết kiệm và vay vốn và 25.250 hộ đang còn dư nợ.

Ông Lê Hữu Bùa - 1 trong số 226 Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn làm công tác nhận ủy thác với NHCSXH huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã ngót 20 năm. Ông tận mắt chứng kiến những nông dân nghèo ở thị trấn Phú Đa vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng chính sách. Theo đó, có cơ hội là ông giới thiệu tuyên truyền cho bà con nghèo biết về các chương trình cho vay. Dần dà, ông làm luôn Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn và bắt đầu đi sâu, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình và nhu cầu vay vốn của bà con.

Hiện nay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý có 49 tổ viên với tổng dư nợ hơn 2,1 tỷ đồng. Số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ trung bình hàng tháng là 322 triệu đồng; 100% số hộ vay có tiền gửi tiết kiệm, các tổ viên vay vốn đều có ‎ý thức trả lãi, trả nợ đúng thời gian quy định. Vì vậy, 20 năm qua, Tổ Tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý không có tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu. Đặc biệt, trong đợt rà soát nhu cầu vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30.1.2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phổ biến thông tin cho từng hộ gia đình trong tổ dân phố. Đến nay, NHCSXH huyện đã giải ngân cho Tổ Tiết kiệm và vay vốn do ông quản lý số tiền 450 triệu đồng từ nguồn vốn tạo, duy trì và giải quyết việc làm cho 9 lao động có nhu cầu.

Tổ Tiết kiệm và vay vốn chính là cầu nối giữa hộ nghèo và các đối tượng chính sách với NHCSXH, qua đó, giúp cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn một cách thuận tiện, nhanh chóng cũng như giám sát quản lý nguồn vốn này hiệu quả. Tổ Tiết kiệm và vay vốn thuộc thôn Tà Roi, xã A Ngo, huyện A Lưới là một điển hình như thế. Toàn Tổ Tiết kiệm và vay vốn hiện có 60 hộ thành viên, với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng, bình quân dư nợ mỗi hộ 37 triệu đồng. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Có thể nói, hệ thống 2.340 Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh đã thực sự là cánh tay nối dài chính sách; kịp thời chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, chính những tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng là người giám sát tốt nhất nguồn vốn của Nhà nước, bảo đảm giảm thất thoát đến mức tối đa. Đặc biệt, các tổ trưởng còn giúp bà con sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội.

Bình Nhi