Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ tại Điện Biên: Sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

- Thứ Năm, 29/09/2022, 05:36 - Chia sẻ

Trang bị thêm phương tiện, thiết bị; mở lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia thực hiện; đồng thời khắc phục hệ thống đường truyền, lỗ hổng bảo mật đối với hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và nâng cấp phần mềm hộ tịch là những kiến nghị của Điện Biên trong quá trình thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ nhân thân

Tính đến ngày 31.7.2022, các cơ quan chức năng đã thực hiện liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung. Theo đó 100% hồ sơ phát sinh đã được thực hiện trực tuyến; có 124/140 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân, tình trạng cư trú.

,Sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn

Để triển khai việc làm sạch dữ liệu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh đã thống kê tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp, hủy số định danh cho công dân khi đăng ký khai sinh và việc sai lệch thông tin giữa dữ liệu khai sinh trên phần mềm của Bộ Tư pháp với dữ liệu dân cư. Kết quả rà soát cho thấy, có 75 trường hợp bị báo lỗi trên dữ liệu giữa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Giấy khai sinh; 154 trường hợp trùng dữ liệu giữa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Giấy khai sinh. Toàn tỉnh, đã có 460 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và xã được đưa vào cung cấp dịch vụ, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đạt 22,59% đối với cấp huyện và 9,63% đối với cấp xã.

Tuy vậy, hiện tỉnh vẫn còn 11.888 hộ dân chưa sử dụng điện lưới, 62 bản chưa có dịch vụ viễn thông, mạng 3G, 4G yếu dẫn đến việc sử dụng các dịch vụ công còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện mới có 962 tài khoản đề nghị kết nối vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 14/25 dịch vụ công thiết yếu đã được triển khai ở mức độ 3, 4.

Tháo nút thắt hạ tầng và nhân lực

Đại diện Sở Tư pháp cho hay, thủ tục hành chính liên thông đăng ký Khai sinh - đăng ký cư trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và thủ tục đăng ký Khai tử - xóa đăng ký thường trú và trợ cấp mai táng phí mới chỉ thực hiện được ở bước đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi do chưa được kết nối với Cơ sở dữ liệu về cư trú và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, thương binh, xã hội.
Thực tế còn cho thấy, việc thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh trên dịch vụ công còn chậm, do việc cấp số định danh cá nhân chạm, việc cấp, hủy số định danh đối với sai lệch chưa kịp thời dẫn đến việc trả kết quả TTHC không đúng thời gian quy định. Ngoài ra, do việc cấp số định danh có một số trường hợp chậm hoặc báo lỗi hệ thống nên một số đơn vị cấp xã đã cấp Giấy khai sinh không có số định danh cá nhân cho công dân theo hướng dẫn tại Công văn số 3160/BTP-CNTT ngày 13.9.2021 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn xử lý một số vướng mắc trong tiếp nhận số định danh cá nhân khi cập nhật dữ liệu khai sinh vào phần mềm đăng ký khai sinh điện tử. Tuy nhiên, khi công dân mang Giấy khai sinh đi đăng ký thường trú cho trẻ em bên cơ quan công an không chấp nhận.

Từ thực tế này, tỉnh Điện Biên kiến nghị, Bộ Tư pháp cần phối hơp với Bộ Công an; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm triển khai thực hiện đối với TTHC liên thông đăng ký Khai sinh - đăng ký cư trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và thủ tục đăng ký Khai tử - xóa đăng ký thường trú và trợ cấp mai táng phí theo đúng quy định. Bên cạnh kiến nghị nêu trên, câu chuyện hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực cũng được nhiều đại diện các xã, huyện kiến nghị.

Đại diện lãnh đạo xã Nà Tấu, TP. Điện Biên - một xã miền núi, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc thực hiện liên thông các thủ tục hành hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn hạn chế - cho rằng, cần nâng cấp đường truyền mạng, hệ thống máy chủ, đặc biệt là phần mềm đăng ký hộ tịch để thuận lợi cho việc thực hiện giải quyết hồ sơ; hoàn thiện việc tích hợp giữa hệ thống các phần mềm với Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Trong khi đó, đại diện thị trấn Mường Ảng - nơi có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp thực hiện đạt 100% thì kiến nghị, mở lớp tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia thực hiện Đề án; khắc phục hệ thống đường truyền, lỗ hổng bảo mật đối với hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh và nâng cấp phần mềm hộ tịch.

Phạm Hải