Nghệ An ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống thiên tai

- Thứ Hai, 04/07/2022, 20:57 - Chia sẻ

Để giảm thiểu thiệt hại thấp nhất thiệt hại cho người dân do thiên tai gây ra, bên cạnh chủ động xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, tỉnh Nghệ An cần rà soát lại nguồn lực theo tinh thần 4 tại chỗ; ưu tiên hỗ trợ các lực lượng xung kích làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở…

Chuẩn bị tốt các khâu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, nhiều nơi bị lụt bão tàn phá gây thiệt hại lớn về người và tài sản… Để bảo đảm công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN), tỉnh đã kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của Ban chỉ huy PCTT - TKCN và phòng thủ dân sự các cấp. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm giúp chính quyền và người dân chủ động ứng phó kịp thời với những diễn biến phức tạp của thiên tai, đồng thời chủ động phương án 4 tại chỗ trong phòng,chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn...

Nghệ An ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống thiên tai -0
Mưa lũ gây nhiều thiệt hại về người và tài sản

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự tỉnh Nguyễn Trường Giang cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh đã bố trí nguồn kinh phí để tu sửa công trình thủy lợi. Đồng thời, tranh thủ huy động nguồn lực đầu tư ngân sách Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cụ thể, năm 2021, UBND tỉnh đã cấp hơn 114 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ cho công tác PCTT - TKCN. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã phân bổ số tiền 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021... “Chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh cũng tích cực vận động doanh nghiệp tham gia đóng góp vào hoạt động phòng chống thiên tai trên địa bàn”, ông Giang cho biết.

Mặc dù, có nhiều nỗ lực nhưng công tác PCTT - TKCN của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn; khả năng ứng phó với các tình huống thiên tai lớn còn bị động, lúng túng; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn bất cập, hệ thống trang thiết bị phục vụ phòng chống PCTT - TKCN còn hạn chế. Đặc biệt, một bộ phận người dân và chính quyền còn chủ quan, bất cẩn dẫn đến thiệt hại đáng tiếc, nhất là về người…

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến chia sẻ, dù là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh thế nhưng người dân ở Tương Dương chủ yếu phải sống bên cạnh các sông, suối, nguy cơ sạt lở cao. Việc tìm kiếm đất để tái định cư cho bà con nhân dân sau khi bị sạt lở gặp rất nhiều khó khăn… “UBND tỉnh cần sớm bố trí kinh phí để sửa chữa một số điểm tái định cư, đảm bảo an toàn cho người dân khi bước vào mùa mưa lũ”, ông Hiến nhấn mạnh.

Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Thời gian qua, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh cùng các ngành, địa phương, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ, chuẩn bị tốt cả 3 khâu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại về người, tài sản, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. “Các phương án phòng, chống thiên tai đã được xây dựng cụ thể. Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ có bổ sung các phương án đối với các công trình trọng điểm, hồ đập và đê điều, lên phương án cụ thể về công tác di dân tái định cư khi xảy ra sự cố; đồng thời, sẽ phối hợp tốt với các Nhà máy thuỷ điện để làm tốt hơn công tác điều tiết nước, xả lũ...”, ông Hiếu chia sẻ.

Xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, người đứng đầu

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng chống thiên tai mới đây, Vụ trưởng vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Viết Tiến cho biết: Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có nhiều quy định mở hơn trong việc giao thẩm quyền cho tỉnh liên quan đến sử dụng nguồn hỗ trợ từ Trung ương trong khắc phục thiên tai. Hiện, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đã nhận được một số ý kiến, kiến nghị của các tỉnh liên quan đến những khó khăn, vướng mắc; sắp tới sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh… Còn theo đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, Nghệ An cần có số liệu cụ thể về công tác bố trí ngân sách của tỉnh cho công tác phòng chống thiên tai, các khoản hỗ trợ, quyên góp ủng hộ từ các tổ chức, đoàn thể.

Ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai -0
Bộ Tài chính làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về công tác phòng, chống thiên tai

Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Đức Quang thì cho rằng, Nghệ An cần rà soát lại các văn bản quy định về công tác hỗ trợ, phòng chống thiên tai. Xác định các khu vực, công trình trọng yếu về đê điều, hồ đập để có phương án cụ thể, chi tiết. Việc khắc phục hậu quả thiên tai liên quan đến tình trạng khẩn cấp, tình huống khẩn cấp, thì cần căn cứ tình hình thực tế để cấp có thẩm quyền quyết định. “Để đối phó với những diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai trong thời gian tới, tỉnh cần rà soát lại các điều kiện, các hồ chứa, các công trình ách yếu, để tránh những thiệt hại lớn về người và tài sản cho Nhân dân”, ông Quang nhấn mạnh.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho rằng: Bên cạnh chủ động xác định, đánh giá công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, trên cơ sở đó xác định rõ chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, của người đứng đầu… Nghệ An cần rà soát lại nguồn lực theo tinh thần 4 tại chỗ của các cấp chính quyền để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Nâng cao năng lực dự báo, tổng hợp, truyền thông tin của các trạm quan trắc về tình hình mưa lũ, sạt lở để đối phó trước thiên tai. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ cho các lực lượng xung kích làm nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở.

“Thời gian qua, nhiều quy định về cơ chế chính sách về phòng chống thiên tai cũng đã được sửa đổi và có nhiều điểm mới, đề nghị địa phương nghiên cứu, tập huấn cho cán bộ liên quan để nắm rõ và thực hiện hiệu quả”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

Nằm trong xu thế chung, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Năm 2021 thiên tai đã làm 6 người chết, 4 người bị thương; hơn 3.900 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng do lở đất và ngập lụt... ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 698,966 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2022, từ ngày 1.1 đến ngày 10.6 trên vùng biển Nghệ An đã xảy ra 15 vụ tai nạn, trong đó có 2 vụ chìm tàu, 4 vụ tai nạn lao động... làm chết 4 người, mất tích 5 người...

Diệp Anh
#