Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong bối cảnh mới

- Thứ Hai, 05/12/2022, 05:59 - Chia sẻ

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tạo đà, động lực phát triển để quyết tâm xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025.

Kết quả ấn tượng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: trong 9 tháng năm 2022, Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 12.189,4 tỷ đồng (gồm 04 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD, tương đương 5.286,71 tỷ đồng); trong đó, địa bàn khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) cấp 09 dự án với tổng vốn đầu tư 2.970 tỷ đồng. Đồng thời, đã cấp điều chỉnh cho 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 05 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 07 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng. Tính đến 21.9.2022, có 616 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.449,1 tỷ đồng; tăng 40,3% về lượng và tăng 60,3% về vốn so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng công trình dự án Cảng cá Tư Hiền
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng công trình dự án Cảng cá Tư Hiền

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu cả nước trong ban hành các chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách của Nhà nước. Khi thành lập, doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn thiện miễn phí hồ sơ, hỗ trợ chữ ký số, hoá đơn điện tử, hỗ trợ chi phí thuê kế toán trong những năm đầu hoạt động. Công tác hỗ trợ DN, NĐT được đẩy mạnh, nhất là tháo gỡ “nút thắt” nhằm đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đăng ký đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư.

Cụ thể, UBND tỉnh đã thành lập 04 tổ công tác do đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhằm cùng DN tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án. Các chuyên viên (từ các cơ quan chuyên môn của tỉnh) được giao trách nhiệm phụ trách từng nhóm dự án với tư cách thành viên giúp việc của tổ công tác, có nhiệm vụ hỗ trợ tích cực NĐT trong việc hoàn thành các thủ tục có liên quan, làm đầu mối hỗ trợ NĐT tác nghiệp cùng các sở, ngành xử lý từng nội dung công việc vướng mắc, kịp thời cập nhật, báo cáo tổ trưởng các tổ công tác xử lý kịp thời các nội dung yêu cầu.

Hiện đã có nhiều NĐT lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội tại tỉnh như: Tập đoàn Hòa Phát, Sovico, Alphanam…; KMH, KRRI (Hàn Quốc), Banpu (Thái Lan),... UBND tỉnh cũng tổ chức thành công Hội nghị “Gặp gỡ Thừa Thiên Huế xanh - Xác định tương lai tăng trưởng kinh tế xanh”. Tại hội nghị, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã cam kết hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh một số lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, du lịch và môi trường.

Ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chia sẻ: Mới đây, Thừa Thiên Huế tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây. Trong xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển các mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm (giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kĩ thuật, năng suất lao động tăng...). Việc phát triển cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng Chân Mây là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Tại Hội nghị này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao chủ trương nghiên cứu đầu tư 7 dự án và trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án tiêu biểu. 

Có được kết quả trên là nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, ngành trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Song về tổng thể, kết quả đạt được còn khiêm tốn so với lợi thế, tiềm năng; nguyên nhân do vướng mắc về quy hoạch xây dựng, quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, đấu thầu…

Cảng hàng không, cảng biển giúp Huế thu hút đầu tư

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế giúp tỉnh phát huy nội lực, huy động tối đa nguồn lực phát triển, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng về giao thông, KKT- KCN,... tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đại Vui - Quy hoạch Xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg, ngày 12.8.2008, Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển trở thành đô thị loại III nằm trong cụm đô thị động lực số 2, trong đó đô thị Chân Mây phát triển các chức năng về dịch vụ, du lịch và công nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian qua, tại khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án sản xuất kinh doanh; diện mạo vùng Chân Mây - Lăng Cô đã thay đổi đáng kể, phát triển theo đúng định hướng, thực sự trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Hệ thống giao thông tại khu kinh tế Lăng Cô - Chân Mây cơ bản được xây dựng, bảo đảm kết nối thuận lợi đến các khu chức năng của khu kinh tế; hạ tầng cảng biển được đầu tư; đưa vào khai thác 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910m, công suất khai thác đạt đến 6 triệu tấn/năm; đón tàu khách du lịch quốc tế cỡ lớn 225.000GT… UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi và triển khai đầu tư các trung tâm logistics, cảng cạn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để phục vụ lưu thông hàng hóa, làm nhiệm vụ tiếp chuyển hàng hóa cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực. Ngoài cảng Chân Mây, một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai trong năm 2022 nhằm tạo động lực cho địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế là Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, ông Nguyễn Đại Vui nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tỉnh sẽ tổ chức quy hoạch để tạo quỹ đất ven biển khoảng 1.500ha nhằm phát triển đô thị biển; thúc đẩy và tăng sức thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến với Huế để đầu tư xây dựng, phát triển các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, các khu resort, du lịch nghỉ dưỡng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những dự án hạ tầng trọng điểm sẽ là nền móng, động lực để Thừa Thiên Huế phát triển các đô thị vệ tinh, từ đó trở thành Thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tới.

Việt Anh