Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh

Chung tay vì môi trường xanh, sạch, đẹp

- Thứ Hai, 05/12/2022, 06:23 - Chia sẻ

Trước tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng của TP. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, song song với việc nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, rất cần sự phối hợp của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường cho thành phố. 

Bảo đảm yếu tố xanh và bền vững

Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng với sự gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài khiến lượng chất thải phát sinh nhanh chóng. Thực trạng đó cho thấy, tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là giải pháp quan trọng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang "gỡ khó" cho hoạt động môi trường tại TP. Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm yếu tố xanh và bền vững. 

CITENCO luôn nỗ lực cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: CITENCO
CITENCO luôn nỗ lực cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: CITENCO

Trong đó, điển hình là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh (CITENCO) - một trong những đơn vị chủ lực để thực hiện hoạt động liên quan đến lĩnh vực vệ sinh môi trường, bao gồm: quét dọn vệ sinh; thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải sinh hoạt, xây dựng, y tế, công nghiệp, nguy hại; các dịch vụ vệ sinh môi trường khác…

Chia sẻ về những nỗ lực cho hoạt động thu gom, xử lý chất thải; ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc CITENCO cho hay, công ty không ngừng đổi mới phương tiện, thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Doanh nghiệp luôn chủ động và tiên phong đi đầu trong việc áp dụng mô hình mới, sử dụng công nghệ hiện đại, với những giải pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công ty còn thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác như thiết kế xây dựng, sửa chữa và thi công các công trình chuyên ngành vệ sinh môi trường; tư vấn lập các dự án đầu tư, phát triển ngành vệ sinh công cộng; thiết kế, thi công và vận hành các công trình xử lý chất thải rắn; thực hiện các dịch vụ vệ sinh cho các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện…

Không dừng lại ở đó, Công ty còn phối hợp với Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật Bản) thực hiện dự án thử nghiệm lên men khí Metan từ chất thải hữu cơ công suất 300 tấn/ngày. Dự án nhằm mục tiêu đánh giá khả thi đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện lên men khí Metan từ chất thải rắn hữu cơ sau phân loại, theo chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của thành phố. 

Đề xuất kế hoạch mang tính lâu dài

Đồng hành với TP. Hồ Chí Minh để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xanh, Công ty CP Vietstar cũng là một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xử lý rác thải. Sau khi hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố cho việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác, Công ty CP Vietstar đã lên kế hoạch, nhập các thiết bị máy móc hiện đại bậc nhất thế giới với trị giá hàng tỷ USD và tiến hành xin phép các thủ tục pháp lý để xây dựng nhà máy, nâng công suất xử lý rác từ 1.200 tấn/ngày lên 2.000 tấn/ngày.

Đặc biệt, Công ty còn chủ động đề nghị những kế hoạch giải quyết rác thải trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, năm 2021, tăng khối lượng rác xử lý lên 3.000 - 4.000 tấn/ngày cho Vietstar từ các quận, huyện lân cận; năm 2022, tăng lượng rác lên 6.000 tấn/ngày cho Vietstar, chuyển đổi các bãi rác để ngừng chôn lấp rác tươi và chỉ lưu chứa các loại rác vô cơ không gây ô nhiễm. Năm 2023 - 2024, tăng rác lên 8.000 - 10.000 tấn/ngày cho Vietstar; phần còn lại nếu có sẽ được chứa tạm tại các bãi rác khác. Năm 2025, ngừng chôn lấp rác tươi 100%; tất cả rác của thành phố sẽ được xử lý qua tái chế và đốt phát điện.

Không chỉ vậy, Vietstar còn chủ động đề xuất với thành phố những kế hoạch mang tính định hướng lâu dài trong vấn đề xử lý rác thải. Công ty tự nguyện đầu tư chi phí, nhân lực, vật lực để bổ sung trang thiết bị, xây dựng nhà máy xử lý rác tiên tiến, hiện đại bậc nhất giúp thành phố giải quyết nỗi lo rác thải sinh hoạt. 

Tương tự, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng của thành phố cũng đã và đang triển khai các giải pháp để bảo vệ môi trường, đặc biệt là ứng dụng năng lượng xanh trong mô hình nhà chung cư cao tầng. Vốn là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, kể cả trong quá trình thi công xây dựng đến vận hành công trình, sự chung tay của doanh nghiệp xây dựng đã đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Được biết, mục tiêu Chương trình giảm ô nhiễm môi trường đến năm 2025 của TP. Hồ Chí Minh là 100% cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có xử lý nước thải đạt quy chuẩn; 100% doanh nghiệp sản xuất có xử lý khí thải đạt quy chuẩn; tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 100% vào năm 2030)...

Thanh Điểu