Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô: Quyết tâm tháo gỡ các nút thắt

- Thứ Sáu, 24/03/2023, 13:18 - Chia sẻ

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã đánh giá, việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ là vấn đề rất lớn, rất khó trong công tác quản lý đô thị. Công tác triển khai còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được các lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, xã hội.

"Trượt" tiến độ khâu quy hoạch

Bộ Xây dựng vừa có văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Theo đó, Bộ Xây dựng đánh giá, việc triển khai Nghị định số 69/2021/NĐ-CP tại nhiều địa phương, đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhiều nhà chung cư thuộc diện cần cải tạo, xây dựng lại, vẫn còn chậm so với yêu cầu, mà một trong những nguyên nhân là do chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư cũ.

Tại Hà Nội, theo Kế hoạch số 329/KH-UBND ngày 31.12.2021 của UBND TP. Hà Nội về nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, trong quý IV.2022, các đơn vị liên quan phải hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch 9 khu chung cư cũ, 7 nhóm chung cư cũ và 2 nhà chung cư cũ đơn lẻ. Trên thực tế, kế hoạch trên đã "trượt" tiến độ.

Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô: Quyết tâm tháo gỡ các nút thắt -0
Hà Nội dự kiến cần khoảng 564.560m2 sàn nhà ở phục vụ tái định cư, tạm cư để thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ

Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025" cũng đánh giá, việc kiểm định, quy hoạch các khu chung cư, nhà chung cư chưa đạt tiến độ. Nguyên nhân là quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư còn chưa đầy đủ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội cho rằng, việc chậm nghiên cứu lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D. Vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND các quận, huyện liên quan cần đẩy nhanh tiến độ công việc được giao.

Gỡ vướng từng phần việc

Để thúc đẩy tiến độ lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có các văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cũ) khẩn trương nghiên cứu, thẩm định, trình phê duyệt đồ án quy hoạch.

Đặc biệt, Sở đã đề nghị các địa phương chủ động liên hệ với các nhà đầu tư trước đây được giao nghiên cứu lập 19 ý tưởng quy hoạch khu chung cư cũ và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) để tiếp nhận, tham khảo, tận dụng các nội dung đã có, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã cung cấp thông tin quy hoạch các khu đất của chung cư cũ cho các địa phương.

Đặc biệt, Sở đã đề nghị các địa phương chủ động liên hệ với các nhà đầu tư trước đây được giao nghiên cứu lập 19 ý tưởng quy hoạch khu chung cư cũ và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) để tiếp nhận, tham khảo, tận dụng các nội dung đã có, nhằm rút ngắn thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã cung cấp thông tin quy hoạch các khu đất của chung cư cũ cho các địa phương.

Riêng tại địa bàn các quận nội đô, nơi có 20 khu chung cư, 69 nhóm chung cư, 209 chung cư cũ độc lập, riêng lẻ cần cải tạo, xây dựng lại, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, đã phối hợp với cơ quan chức năng của các quận để cung cấp định hướng, chỉ tiêu quy hoạch liên quan đến các khu chung cư cũ.

Do chưa có quy định về chi phí lập quy hoạch tổng mặt bằng nên vừa qua Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp, tham mưu UBND thành phố góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, trong đó đề xuất bổ sung nội dung: "Giao Bộ Xây dựng hướng dẫn về nguồn vốn và phương pháp xác định dự toán kinh phí lập quy hoạch tổng mặt bằng". Do đó, sau khi nghị định được ban hành và Bộ Xây dựng có hướng dẫn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ có cơ sở để hướng dẫn các đơn vị.

Sau sự đôn đốc của Bộ Xây dựng cùng với những đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, với quyết tâm tháo dần các "nút thắt", TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được thành phố đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến năm 2015 sẽ "xóa" toàn bộ. Tuy nhiên, đến nay mới có 19 chung cư cũ được cải tạo và đưa vào sử dụng, 14 dự án đang triển khai. Hiện nay Hà Nội có khoảng 250.000 người dân đang sống trong 1.570 nhà chung cư xuống cấp. Theo Sở Xây dựng, ngoài nhà C8 Giảng Võ, 5 chung cư cấp độ D nguy cơ sụp đổ vẫn còn người dân sinh sống. Cụ thể, nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng còn 4 hộ; tập thể Bộ Tư pháp (đơn nguyên 1, 3) còn 2 hộ; nhà A phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) còn 20 hộ; nhà G6 phường Thành Công (đơn nguyên 1, 2) 28 hộ; nhà 148-150 Sơn Tây còn 3 hộ.

Các chung cư trên đều được xây dựng từ năm 1960 đến 1999, số ít trước 1954, cao từ 3 đến 6 tầng, diện tích dưới 30 m2. Do được đưa vào sử dụng đã lâu, nhiều chung cư xuống cấp nghiêm trọng, ngập úng, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, không có diện tích dành cho đỗ xe...

Anh Văn
#