Bình Phước - điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam bộ

- Thứ Bảy, 29/04/2023, 07:49 - Chia sẻ

Hàng loạt dự án hạ tầng, cao tốc trọng điểm kết nối Bình Phước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được triển khai, từ đó tạo động lực để tình Bình Phước hiện thực hóa khát vọng là tỉnh công nghiệp hiện đại  “điểm đến hấp dẫn” vùng Đông Nam Bộ.

Đầu tư bài bản hạ tầng giao thông

Năm 1997, tỉnh Sông Bé được chia tách thành hai tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Địa phận tỉnh Bình Phước là vùng khó khăn, hạ tầng hầu như chưa có, đây còn là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Lúc bấy giờ, tỉnh chỉ có khoảng 103 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 1.200km, trong đó 84% là đường cấp phối sỏi đỏ và đường đất.

Xác định phát triển giao thông là động lực phát triển kinh tế - xã hôi, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã xây dựng nhiều Nghị quyết ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực này. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội 11 Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bình Phước đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư, trong đó đẩy mạnh xây dựng các tuyến giao thông kết nối.

Nhờ đó đến nay bộ mặt giao thông có sự phát triển vượt trội, kết nối đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 2.855 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 9.102km. Trong đó, các tuyến giao thông huyết mạch với điểm nhấn là ba tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài 228,9km. Bên cạnh đó, hệ thống đường tỉnh cũng được xây dựng đồng bộ, gồm 15 tuyến với tổng chiều dài 544,18km; đường huyện và các tuyến đường huyết mạch tới các xã, thị trấn được nhựa hóa 100%.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xây dựng được 6.900km đường giao thông, trong đó giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư với 3.900km đường bê-tông triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đáng chú ý, từ năm 2019 Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết chuyên đề mỗi năm xây dựng 1.000km đường nông thôn theo cơ chế đặc thù. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 2.000km, tạo chuyển biến tích cực đời sống người dân vùng nông thôn.

Thời gian sắp tới, tỉnh sẽ chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong triển khai các dự án trọng điểm, như: đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường cao tốc Bắc - Nam phía tây đoạn Đắk Nông - Chơn Thành; tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương kết nối với tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (Bình Dương) đến đường vành đai 4; tuyến đường phía tây Quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư thông với Campuchia.

Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch hiện nay, Bình Phước thuận lợi kết nối vùng, liên vùng. Đây là một trong những yếu tố tiên quyết giúp Bình Phước phát triển mạnh kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, vươn tới năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

 Vươn tới khát vọng là “điểm đến hấp dẫn” vùng Đông Nam Bộ

Theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND “Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng ký ban hành đầu năm 2023 thì, Bình Phước sẽ trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng “cứng và mềm”. Phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách. Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị. Tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu. Hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số. Đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vừng mạnh toàn diện.

Bình Phước đã xây dựng được 13 khu công nghiệp, tám cụm công nghiệp, trong đó nhiều khu công nghiệp tỷ lệ lấp đầy 100%; có hơn 10 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh Bình Phước tăng trưởng kinh tế hơn 9%, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 85 triệu đồng; thu ngân sách tỉnh đạt hơn 14,5 nghìn tỷ đồng.

Quan điểm quy hoạch của tỉnh là phát huy lợi thế của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, trong đó ưu tiên tập trung phát triển cho vùng phía Nam: thành phố Đồng Xoài - huyện Đồng Phú - thị xã Chơn Thành.

Đến năm 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ. Đến năm 2050, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9%, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt 8,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,5%, giai đoạn 2031 - 2050 đạt 8 - 9%.

Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

 Dự tính thu ngân sách nhà nước vào năm 2025 đạt 19.500 tỷ đồng, năm 2030 đạt 30.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 5 tỷ USD, đến năm 2030 đạt 8 - 9 tỷ USD. Số doanh nghiệp thành lập mới thời kỳ 2021 - 2030 là 15.000 doanh nghiệp. Phấn đấu xếp hạng PCI, PAPI, ICT Index đến năm 2025 đứng thứ 35, đến năm 2030 đứng thứ 25 so với cả nước. Khách du lịch đến năm 2025 đạt 2 triệu lượt khách, năm 2030 đạt 3,5 triệu lượt khách.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; phù hợp với Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bền vững và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bảo đảm dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia và thích nghi tốt trước những thay đổi khó lường trên thế giới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước mới đây cũng đã thống nhất kết luận về phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá, thu hút nhà đầu tư, là động lực để phát triển nhanh nền công nghiệp hiện đại và thu hút du lịch. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nhờ phát triển hệ thống giao thông có tầm nhìn chiến lược, Bình Phước sẽ sớm trở thành “điểm đến hấp dẫn” vùng Đông Nam Bộ.

Để thúc đẩy các dự án sớm được triển khai, hiện Bình Phước đang thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, góp phần giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tỉnh cũng chủ trương đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy mạnh hình thức hợp tác công tư (PPP), trong đó vốn nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.

Đức Trí