Nhìn lại gần 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:06 - Chia sẻ

Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1.7.2021, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành kịp thời các kế hoạch tổ chức thực hiện cũng như văn bản hướng dẫn triển khai những nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực, thực hiện đúng theo trình tự và hướng dẫn của Trung ương.

Tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố để ban hành quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bổ máy đối với các sở, cơ quan tương đương sở; bảo đảm theo nguyên tắc đúng quy định, không bỏ sót nhiệm vụ, không trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ đơn vị chủ trì, phối hợp, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, các đơn vị hoạt động hiệu quả, khả thi, không vượt quá số cơ quan, đơn vị trực thuộc quy định.

Thực hiện mô hình chính quyền đô thị  nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức theo chỉ đạo của Trung Ương Ảnh ITN
Thực hiện mô hình chính quyền đô thị nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính, góp phần tinh gọn tổ chức theo chỉ đạo của Trung Ương. Nguồn: ITN

Thành phố đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu về tinh giản biên chế (từ 10% trở lên). Cụ thể, giảm trên 1.400 biên chế công chức (tương đương tỉ lệ 15,6%); giảm trên 12.000 biên chế sự nghiệp (tương đương tỉ lệ 10%) so với năm 2015. Qua rà soát, kiện toàn, tinh giản biên chế đã góp phần thực hiện chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, của thành phố.

Sở Nội vụ Hà Nội đánh giá, việc tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy chính quyền thành phố trong khu vực các quận, ban hành các quy định về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý góp phần từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ các cấp và Thành phố xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh cải cách hành chính của Thủ đô.

Việc thực hiện chính quyền đô thị một mặt tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, bên cạnh đó còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính. Theo ông Vũ Hải Thành - Trưởng Công an phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, việc thay đổi phương thức hoạt động từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng khiến hình ảnh của người Công an nhân dân được nâng cao hơn trong đánh giá của người dân. Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn, quận Long Biên Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau gần 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại phường, cái nhìn nhận rõ nhất là nhận được nhiều lời khen của người dân. Đồng thời việc thực hiện chính quyền đô thị một mặt tăng tính chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách trên địa bàn, bên cạnh đó còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính.

Vẫn tồn tại hạn chế

Với việc là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, dễ dàng nhận thấy khối lượng công việc tại các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất nhiều. Với quy mô dân số trung bình của các phường thuộc các quận lớn, với hơn 22.300 người; một số phường có quy mô dân số hơn 30.000 người (theo tiêu chuẩn là 15.000 người), trong đó có 41 phường có quy mô dân số hơn 30.000 người; một số phường có quy mô rất lớn như Hoàng Liệt (Hoàng Mai) là 82.891 người, Đại Kim (Hoàng Mai) là 54.295 người, Trung Hòa (Cầu Giấy) là 54.770 người.

Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai Nguyễn Xuân Chinh thông tin, trung bình 1 tháng ông ký từ 1.900 - 2.000 giấy khai sinh và thực tế số lượng dân cư tạm trú, thường trú, vãng lai tại phường Hoàng Liệt lên đến hơn 10 vạn người, nhiều hơn thống kê gần 83 nghìn dân như con số của UBND thành phố. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho rằng cần xem xét ở từng địa điểm, từng phường và cần thiết phải tăng thêm số lượng cán bộ, công chức ở các phường. 

Thực tế, khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Tại một số phường, việc thực hiện nguyên tắc, chế độ trách nhiệm trong thực thi công vụ của chủ tịch UBND phường và tập thể UBND phường còn chưa rõ nét. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với các phường có quy mô dân số lớn cũng như đối với lực lượng cán bộ, công chức phường; Hoạt động giám sát cũng gặp khó khăn bởi số lượng đại biểu chuyên trách tại HĐND quận, thị xã không nhiều.

Một số nhiệm vụ phát sinh khó triển khai, thực hiện bởi không nằm trong dự toán của cơ quan cấp trên. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường gồm các chức danh Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội LHPN… chưa được chuyển thành công chức cấp quận, do đó chưa đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường theo Nghị quyết số 97/2021/QH14 của Quốc hội.

Việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thực sự thuận lợi, chưa bảo đảm tính chủ động…

Anh Việt