Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 - 28.6.2021)

Trao truyền những giá trị tốt đẹp

- Thứ Hai, 28/06/2021, 05:51 - Chia sẻ
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người. 20 năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) được tuyên truyền sâu rộng, gắn với trách nhiệm xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TRẦN TUYẾT ÁNH chia sẻ xung quanh những vấn đề gia đình hiện nay cũng như ý nghĩa của Ngày Gia đình Việt Nam.

“Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”

- Nhiều năm trở lại đây, công tác gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung vào chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Bà có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

TS. Trần Tuyết Ánh, Vụ Trưởng Vụ Gia đình

- Chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” được thực hiện từ Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, kế hoạch hành động là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng toàn diện về nhiều mặt, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lối sống và nhân cách; nâng cao thể lực, tầm vóc, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, hai năm nay, ngoài hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiều chủ đề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh phát triển, chúng tôi đã điều chỉnh và nhấn mạnh chủ đề “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”. Chủ đề này gắn với bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đi liền với Chỉ thị Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mà mục tiêu cuối cùng là hướng tới xây dựng đất nước phồn thịnh, hạnh phúc.

- Để đạt được mục tiêu như bà vừa nói, cần hành động thiết thực như thế nào?

- Trước tiên tôi muốn nhấn mạnh, tôn vinh giá trị gia đình là tôn vinh giá trị dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Đảng, Nhà nước ta cũng luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm muốn xây dựng đất nước phồn thịnh, hạnh phúc thì trước hết từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người…

20 năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) được tuyên truyền sâu rộng hơn, gắn với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Thiết thực nhất là hai năm qua, chúng tôi đã và đang thí điểm xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, gồm 4 tiêu chí cơ bản là ứng xử giữa vợ với chồng, giữa con cái với cha mẹ, giữa con cháu với ông bà, và giữa anh chị em với nhau.

Theo tôi phải bắt đầu từ trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp trong gia đình, để từ đó ứng xử tốt với môi trường, cộng đồng xung quanh. Có thể nói gia đình là gốc để tạo nên những ứng xử tốt đẹp trong xã hội.

Xây dựng gia đình hạnh phúc phải bắt đầu từ trao truyền những giá trị nhân văn tốt đẹp

Vun đắp tình cảm gia đình

- Ngày Gia đình Việt Nam đã góp phần củng cố những giá trị gia đình Việt với nhiều hoạt động ý nghĩa mang thông điệp tích cực: "Ông bà mẫu mực, gia đình hạnh phúc"; "Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội"; "Gia đình và bình đẳng giới"; "Bữa cơm gia đình, ấm áp yêu thương"… Bà có thể chia sẻ ý nghĩa của những thông điệp này?

- Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam (tháng 5.2001), nhiều hoạt động đã được tổ chức vào ngày này với nội dung và hình thức đa dạng nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chẳng hạn như, với thông điệp “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, nhiều tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, doanh nghiệp tổ chức các cuộc thi nấu ăn, các sân chơi mà ở đó nam giới đóng vai trò chủ đạo, trở thành chủ nhân, trao yêu thương cho các thành viên khác trong gia đình thay vị trí người phụ nữ. Thông điệp này cũng góp phần khẳng định rõ hơn giá trị của bình đẳng trong gia đình, tạo sự đầm ấm, vui vẻ, quây quần trong bữa cơm.

Mặt khác, với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Bữa cơm gia đình là thời gian và không gian để mọi thành viên xích lại gần nhau hơn, chia sẻ và bày tỏ yêu thương, là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền, tiếp thu, bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa của dân tộc.

- Ngoài việc duy trì Ngày Gia đình Việt Nam và các hoạt động ý nghĩa của nó, xin bà cho biết định hướng công tác gia đình giai đoạn 2021 - 2030?

- Nhiệm vụ lớn đầu tiên mà chúng tôi phải triển khai trong 10 năm tới là xây dựng dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để trình Quốc hội, bởi sau hơn chục năm thực hiện đã nảy sinh ngày càng nhiều bất cập. Thứ hai, chúng tôi đang xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Thứ ba, xây dựng chương trình truyền thông giáo dục đời sống gia đình, trong đó nhấn mạnh truyền thông giáo dục kỹ năng sống. Thứ tư, xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Xin cảm ơn bà!

Hương Sen thực hiện