Trao trách nhiệm, gắn quyền lợi

- Chủ Nhật, 31/01/2021, 08:08 - Chia sẻ
Từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với tình hình thực tiễn; có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Đó là nội dung tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài”. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam hoạch định một chiến lược thu hút người tài ở cấp quốc gia, cho thấy mức độ trọng thị với trí thức, với nhân tài, nhưng vấn đề thực thi chính sách ấy ra sao, cũng là bài toán khó đang được đặt ra.

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng của nhiều địa phương, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đều được đưa ra như một khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới. Cùng với chiến lược, cơ chế đang được xây dựng, thực thi, đây chắc chắn sẽ là cơ sở vững chắc, qua đó truyền đi thông điệp về “chiêu hiền đãi sĩ”. Quả thực, thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền. Công tác cán bộ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập càng chứng tỏ rằng cốt lõi vẫn là yếu tố con người. Trong khu vực hành chính công, làm cách nào để người tài nổi lên, để thu hút, phát huy được tài năng của cán bộ, thực sự là câu hỏi khó.

Từ trước đến nay, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án về việc thu hút, trọng dụng nhân tài, đơn cử như Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đã có các chương trình, đề án riêng về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. “Thảm đỏ” được trải ra rộng mở với ưu đãi về chế độ chính sách, học bổng… thế nhưng tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được nhân tài tại các cơ quan, đơn vị vẫn diễn ra.

Đó là trường hợp tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù ngay từ năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5715 thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại 4 đơn vị là Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học. Trong 4 năm (2014 - 2018) đã thu hút 17 chuyên gia (trong đó có 8 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, 2 chuyên gia là người Việt Nam ở trong nước và 7 chuyên gia là người nước ngoài) theo quyết định này, nhưng đến nay còn khoảng 10 người tiếp tục công tác. Hay ở 1 tỉnh phía Nam, nhiều công chức, viên chức sau khi được thu hút, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp, chưa thực sự an tâm công tác nên đã xin chuyển công tác sang địa phương khác, khi hết thời gian cam kết phục vụ hoặc nghỉ việc chấp thuận bồi hoàn chế độ thu hút đã nhận cho khoảng thời gian còn lại.

Rõ ràng, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công là một vấn đề rất quan trọng đang đặt ra, song nếu chỉ ưu tiên tuyển dụng mà không tạo môi trường làm việc cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường công tác thì rất khó để níu chân họ ở lại, cống hiến hết mình. Suy cho cùng, chính sách thu hút người tài thành công hay không phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị tuyển dụng. Nếu người đứng đầu có tài, có tâm, muốn thu hút người tài sẽ bố trí vị trí việc làm phù hợp với sở trường để phát huy tối đa tài năng của người được tuyển dụng. Trong bài “Tìm người tài đức” vào năm 1946, Bác Hồ đã viết, nhân tài có thể chưa nhiều nhưng nếu khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng nhiều thêm.

Thu hút người có tài năng không chỉ là một khâu của quy trình quản lý nguồn nhân lực, mà phải là tổng thể các cơ chế, chính sách tạo sức hấp dẫn với những giải pháp cụ thể mang tính chất đột phá và có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên khi thực hiện. Bởi thế, với phương châm “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và phương châm “Bốn tốt” (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt) trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài”, sẽ giúp người tài được nhìn nhận, được trao đúng trách nhiệm và hưởng đủ quyền lợi, để họ phát huy tài năng, sức sáng tạo và cống hiến hết mình.

Quan trọng hơn, để "trải thảm đỏ đón nhân tài" không là khẩu hiệu suông, rất cần sự lắng nghe, đối thoại, tạo điều kiện để người tài bày tỏ chính kiến; kịp thời giải quyết dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện chính sách hiện hành.

Đỗ Quyên