Tránh tình trạng "giám mà không sát, sát mà không giám"

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 11:26 - Chia sẻ
Đó là một trong những lưu ý của TS. Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu trong buổi học cuối cùng của khoá Bồi dưỡng trực tuyến cho đại biểu HĐND cấp tỉnh do Bộ Nội vụ tổ chức. Tại buổi học, các đại biểu từ 50 tỉnh thành đã được nghe các kiến thức cơ bản về kỹ năng giám sát cũng như những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động dân cử.
Nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội TS. Bùi Đức Thụ
Nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ chia sẻ tại chương trình
Ảnh: Tùng Dương

TS. Bùi Đức Thụ khẳng định, giám sát là nhiệm vụ quan trọng của HĐND, đồng thời cũng chính là công cụ để HĐND phát huy được quyền lực, vai trò của mình ở địa phương, nâng cao vị trí người đại biểu dân cử tại địa phương. Chỉ có thông qua giám sát, hoạt động chính quyền mới có thể xem xét việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể để từ đó hoàn thiện bộ máy quản lý, khuôn khổ pháp lý để cách thức vận hành bộ máy hoàn thiện hơn.

Cũng theo TS. Bùi Đức Thụ, chất lượng giám sát của HĐND phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ tổ chức Hội đồng Thường trực, UBND cho tới chất lượng đại biểu. Để tránh trường hợp “giám mà không sát, sát mà không giám”, ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng thì mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng đề phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật từ đó tham mưu giúp địa phương hoàn thiện các cơ chế, chính sách, phương thức quản lý và xử lý sai phạm. Cùng với đó cũng phải có cái nhìn nhanh nhạy trong giám sát chuyên đề để lựa chọn các vấn đề nóng, từ đó chỉ ra các nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại trong vấn đề.

Ngoài ra, các đại biểu phải thực hiện tốt quyền giám sát của mình với hệ thống chính quyền cùng cấp như chủ tịch HĐND, Chánh án Tòa án Nhân dân và thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND. Đồng thời giám sát, phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp, để từ đó đưa ra các kiến nghị một cách khách quan, mang tính xây dựng. Đồng thời, thường xuyên lắng nghe, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân tại địa phương để hài hòa giữa việc thực thi pháp luật với lợi ích của nhân dân.  

Toàn cảnh các điểm cầu trực tuyến các địa phương
Toàn cảnh các điểm cầu địa phương tại chương trình trực tuyến
Ảnh: Tùng Dương

Đối với công tác chất vấn, TS. Bùi Đức Thụ chia sẻ, chất vấn không có nghĩa đại biểu hỏi để biết thông tin mà phải hỏi để tìm ra giải pháp. Chất vấn chỉ có ý nghĩa khi người chịu trách nghiệm phải đưa ra được phương hướng để giải quyết các vấn đề tồn tại và nêu rõ thời gian để khắc phục những vấn đề đó. Khi câu trả lời không thoả đáng, đại biểu hoàn toàn có quyền tranh luận hoặc chất vấn lại trực tiếp hoặc thông qua văn bản.

Bên cạnh kỹ năng chất vấn, TS. Bùi Đức Thụ cũng chỉ ra những kỹ năng quan trọng trong giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh như kỹ năng giám sát văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng giám sát thi hành pháp luật ở địa phương; kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Kết luận chuyên đề bồi dưỡng cuối cùng, TS. Bùi Đức Thụ chia sẻ quy trình cũng như những kinh nghiệm tâm huyết để các đại biểu làm tốt hơn kỹ năng giám sát, chất vấn và kỹ năng giải quyết tố cáo, kiến nghị của công dân. Đồng thời hy vọng, những kiến thức thực tế này sẽ đồng hành và giúp đại biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tùng Dương